|
Ngay sau quyết định hạ trần lãi suất (LS) huy động và cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường bắt đầu định hình mặt bằng LS mới theo hướng giảm nhanh so với trước.
Giảm lãi vay
Đặc biệt ở phía đầu ra, các “ông lớn” trong hệ thống như Vietcombank, Vietinbank, BIDV... đã giảm LS cho vay theo lời kêu gọi từ phía nhà quản lý.
Trao đổi với Thanh Niên, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngày 30.10, Vietcombank đã giảm LS các khoản vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao) còn 7%/năm. Các khoản vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực này đang áp LS 10,2 - 10,3%/năm cũng được kéo xuống tối đa 10%/năm. “Bản thân LS hiện nay của Vietcombank đã tương đối thấp, các gói vay ưu đãi bằng VND cũng chỉ cỡ 6,5%/năm. Tất nhiên, trong tổng dư nợ vẫn phải có những gói vay cao hơn để bù đắp lại. Việc giảm LS cũng phải từ từ, LS thấp áp dụng cho các DN tốt, còn nếu rủi ro quá mà cho vay LS thấp rất nguy hiểm”, ông Dũng nói.
Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng cũng nhìn nhận, đối với cộng đồng DN, việc giảm LS cho vay luôn mang lại cho họ rất nhiều lợi thế, giảm bớt được chi phí trong sản xuất kinh doanh. Việc chia sẻ với DN thông qua giảm LS cũng giúp NH có điều kiện để tăng trưởng, thu hút khách hàng lâu dài, có nguồn thu bền vững. “Ngày 29.10, chúng tôi có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống giảm LS cho vay trung và dài hạn 5 lĩnh vực ưu tiên xuống còn tối đa 10%/năm. Đương nhiên về mặt tài chính, khi giảm LS Vietinbank cũng phải chấp nhận giảm mức lợi nhuận khoảng 100 tỉ đồng từ nay đến cuối năm”, ông Thắng cho biết.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), cũng cho biết NH này đã cắt giảm LS các khoản vay ngắn, trung và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trong thời gian tới sẽ xem xét giảm tiếp ở một số lĩnh vực khác. “Mỗi đợt hạ LS sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu, nhưng các NH phải xác định nguyên tắc “muốn ăn thì phải nhịn bớt” để cùng chia sẻ, giúp các DN đi lên mới có người để cho vay, mới sống được”, ông Hưởng nói.
Lo bẫy thanh khoản
Mặc dù LS cho vay giảm nhưng theo các chuyên gia, hiện tại mức chênh lệnh giữa LS “đầu vào” huy động và LS “đầu ra” vẫn còn cao.
TS Trần Du Lịch, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, tính toán hiện mức chênh lệch này dao động từ 3 - 4%/năm. Sở dĩ cao vì LS cho vay nhiều khoản vay trung và dài hạn vẫn chưa được giảm theo tốc độ giảm của LS huy động. Chính vì vậy, các DN thời gian qua vẫn chưa dám mạnh dạn vay vốn trung, dài hạn đề đầu tư máy móc, thiết bị cho các phương án sản xuất kinh doanh dài hơi hơn. TS Lịch đề nghị các NH phải tích cực giảm mạnh hơn nữa kỳ hạn này, mở rộng hơn nữa ở các lĩnh vực sản xuất khác.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, hiện mức chênh lệch LS “đầu vào” và “đầu ra” phải tính bằng LS huy động bình quân đầu vào trừ lùi đi dự trữ bắt buộc. Sau đó, các NH lại chỉ cho vay khoảng 80 - 85% để đảm bảo an toàn, trong khi vẫn phải trả lãi huy động 100% cho người gửi tiền. Ngoài ra, NH phải cộng các khoản chi phí hữu hình và vô hình khác nên chênh lệch LS “đầu vào - đầu ra” trước đây phấn đấu trên 3 - 4%, hiện nay hơn 2%.
“Phải dè sẻn lắm NH mới không bị lỗ”, ông Hưởng nói và cho rằng: “Nếu tiếp tục giảm LS huy động xuống nữa các NH có nguy cơ phải đương đầu với bẫy thanh khoản. Vì với LS huy động hiện tại sau khi hạ, người dân đã bắt đầu suy nghĩ có nên gửi tiền hay không rồi. Hơn nữa, thị trường chứng khoán bắt đầu hấp dẫn họ đã rút bớt tiền ra mua, rồi đến thị trường bất động sản đang ấm lại. Cứ xuống nữa sẽ đẩy các NH vào vòng luẩn quẩn khi không hút được tiền gửi, dẫn đến không có nguồn vốn để cho vay ra. Lúc đó, NH lại phải vay mượn trên thị trường liên NH lẫn nhau, lại ép chi phí cắt cổ nhau. Và khi NH lâm vào cảnh này thì DN cũng lại rơi vào khó khăn kép một lần nữa”.
Nên tiếp tục giảm Lãi suất cho vay Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng tốc độ giảm LS và mặt bằng chung trong thời gian qua đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn cho DN. Hiện LS không còn là rào cản chính khiến DN phải phá sản, dừng hoạt động nhưng vẫn là rào cản khiến DN chưa mạnh dạn vay để sản xuất, kinh doanh do tỷ suất lợi nhuận hiện nay của DN không cao. “Các quốc gia trong khu vực có mặt bằng LS thấp hơn, nên cùng một sản phẩm, chi phí, giá thành của họ thấp hơn thì DN ta khi xuất khẩu sẽ chịu thua thiệt. Theo tôi, nên tiếp tục giảm LS cho vay các khoản trung, dài hạn hơn nữa”, TS Kiêm đề nghị. |
Anh Vũ
>> Vietcombank giảm lãi suất huy động và cho vay
>> Chủ tịch Vietinbank: 'Chấp nhận hy sinh lợi nhuận, giảm lãi suất
>> Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động VND
>> Đồng loạt cắt giảm lãi suất huy động, cho vay
>> Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động
>> Xem xét giảm lãi suất cho vay thêm 1 - 1,5%/năm
>> Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động tiết kiệm
>> Cần kéo giảm lãi suất cho vay
>> Giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và sinh viên
Bình luận (0)