Ngân hàng nên mua lại trái phiếu doanh nghiệp?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
25/03/2023 06:57 GMT+7

Ngân hàng sẽ phải mua lại lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành nếu có cam kết với nhà đầu tư là quan điểm đang được dư luận quan tâm, khi nhiều trái phiếu doanh nghiệp được phát hành qua các ngân hàng.


Có trách nhiệm mua lại TPDN đã cam kết

Trong trả lời cử tri TP.HCM mới đây về đề nghị các ngân hàng (NH) thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho nhà đầu tư, Thống đốc NH Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay theo quy định hiện nay, NH thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong trường hợp NH thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu đã phát hành.

Ngân hàng nên mua lại trái phiếu doanh nghiệp ? - Ảnh 1.

Ngân hàng mua lại TPDN nếu có cam kết

NGỌC THẮNG

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận xét: "Vấn đề là từ trước đến nay, các NH thương mại chỉ chọn bảo lãnh phát hành chứ ít khi chọn bảo lãnh thanh toán. Trong trường hợp bảo lãnh phát hành mà không thực hiện hết lượng trái phiếu này thì NH mới mua đầu tư TPDN. Lúc này, lượng TPDN sẽ bị tính vào tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của NH. Mặc dù giải pháp bảo lãnh thanh toán có thể lấy lại niềm tin của nhà đầu tư nhưng NH khó thực thi. Tuy nhiên không phải không làm được", ông Nghĩa nói và dẫn chứng vào cuối năm 2022, để khôi phục thị trường TPDN, chính phủ Hàn Quốc thành lập quỹ bảo lãnh TPDN với điều kiện trái phiếu đó có tài sản đảm bảo, những DN khó khăn hiện tại nhưng có khả năng phục hồi.

"Với mô hình như Hàn Quốc thì VN chưa có tiền lệ để thực hiện, nhưng có thể lựa chọn 2 NH thương mại thực hiện thay vì Chính phủ làm. Điều kiện cũng là những TPDN có tài sản đảm bảo, có quản trị DN tốt. NH sẽ thu phí phát hành đối với những DN này", ông Nghĩa đề xuất.

Cũng theo ông Nghĩa, trong thời gian qua, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường giảm sút nên việc có NH bảo lãnh thanh toán thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ mau hồi phục. Từ đó, các DN thuận lợi trong việc phát hành trái phiếu, có dòng tiền để tái cơ cấu nợ, nhất là những DN bất động sản. Nhưng để các NH thương mại huy động nguồn tiền từ dân để đứng ra bảo lãnh phát hành thanh toán cho DN thì khó có thể thực hiện được.

"Chính phủ, DN, NH cùng vào cuộc thì mới lấy lại được niềm tin quay trở lại thị trường của nhà đầu tư. Về lâu dài, quan trọng nhất vẫn là xếp hạng tín nhiệm DN phát hành trái phiếu để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường", ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, lại cho rằng NH nên bảo lãnh thanh toán trong trường hợp đóng vai trò là nhà phân phối trái phiếu cho DN. Nếu vậy, phải có thêm các quy định về quản trị rủi ro của NH, quy định về vốn trong trường hợp thanh toán trái phiếu.

Ngân hàng nên mua lại trái phiếu doanh nghiệp ? - Ảnh 2.

Biểu đồ lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 - 2024

Cần sớm khôi phục niềm tin thị trường

Thị trường TPDN những tuần gần đây đã bắt đầu khởi sắc, tuy nhiên vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng, là kênh dẫn vốn trung dài hạn đối với DN. Theo Hiệp hội Trái phiếu VN (VNMA), trong 2 tuần đầu tháng 3 có 6 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ từ DN trị giá 11.930 tỉ đồng. Trong đó, bất động sản và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành có giá trị phát hành lớn nhất với giá trị tương ứng 7.000 tỉ đồng và 4.800 tỉ đồng. Tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại trước hạn trong tháng 3 là 803 tỉ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ tháng 3.2022. Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại là 16.300 tỉ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn còn lại 6.700 tỉ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn như bất động sản và hàng tiêu dùng.

NH không được mua TPDN cho việc cơ cấu lại nợ

NHNN yêu cầu các NH không được mua TPDN phát hành cho mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của DN, tăng quy mô vốn hoạt động; góp vốn, mua cổ phần tại DN khác; NH không được bán TPDN cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó; trong vòng 12 tháng sau khi bán TPDN chưa niêm yết, NH không được mua TPDN chưa niêm yết mà NH đã bán và, hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô, cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán...

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư TPDN, việc cung ứng các dịch vụ liên quan TPDN để có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các rủi ro, vi phạm phát sinh.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, đánh giá vấn đề hiện nay là làm sao khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường càng sớm càng tốt. Vừa qua, các NH, công ty chứng khoán nhận thực hiện bảo lãnh phát hành các lô TPDN, sau đó giao cho các nhân viên đi mời chào mua trái phiếu khiến nhiều khách hàng hiểu nhầm trái phiếu do NH phát hành nên yên tâm đầu tư.

"Chính vì môi trường mua bán trái phiếu không rõ ràng nên hiện nay, NH cũng như công ty chứng khoán nên mua lại lượng trái phiếu đã tư vấn trước đó cho khách hàng dù có cam kết mua lại hay không trước đó. Đây là động thái khá quan trọng trong việc lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu", ông Chí nêu quan điểm và nhận xét trong công bố mới đây, NHNN đã thực hiện thanh, kiểm tra 11 NH có đầu tư TPDN và đã có xử phạt vi phạm. Ở đây, theo đúng quy trình thì DN phải có tài sản đảm bảo cho những lô trái phiếu. Nghị định 08 của Chính phủ mới ban hành về TPDN đã đề cập quy định bổ sung tài sản TPDN để gỡ vướng. NH, công ty chứng khoán là những tổ chức chuyên nghiệp, hoàn toàn có thể thực hiện giải quyết bài toán này. 

Với quan điểm đó, ông Lê Đạt Chí cho rằng không nên để NH thực hiện bảo lãnh thanh toán, vì NH thương mại thu hút dòng tiền gửi của người dân nên trường hợp lợi dụng chức năng này thì dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. "Để thị trường TPDN hoạt động công khai, minh bạch, cần phải sớm tạo lập thị trường mua bán những loại trái phiếu này", ông Lê Đạt Chí nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.