Dòng tiền quay lại trái phiếu doanh nghiệp

Mai Phương
Mai Phương
23/03/2023 06:34 GMT+7

Một số doanh nghiệp trong những ngày gần đây đã huy động được tiền thông qua kênh trái phiếu vốn đã bị "tắc" trong nhiều tháng qua.

10 ngày hút tỉ USD 

21 - 22.3, Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên công bố đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu (TP) có tổng giá trị 7.200 tỉ đồng. Cả hai lô TP có mệnh giá 100 triệu đồng/TP, kỳ hạn một năm, đáo hạn vào ngày 16.3.2024. Trong thông báo gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, công ty không nêu về lãi suất (LS).

Dòng tiền quay lại trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công trong 10 ngày qua tăng mạnh

NGỌC THẮNG

Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Masan công bố chào bán thành công lô TP có tổng giá trị 2.000 tỉ đồng ra công chúng. Lô TP có kỳ hạn 60 tháng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo. LS thả nổi bằng tổng của 4,1%/năm cộng LS tham chiếu (trung bình cộng của lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng lớn). Có 3 nhà đầu tư tổ chức trong nước đăng ký mua 99,2% - tương đương giá trị 1.980 tỉ đồng; phần còn lại được phân phối cho một nhà đầu tư cá nhân khác.

Theo ước tính, chỉ trong vòng 10 ngày (từ ngày 6 - 16.3), số lượng TP doanh nghiệp (DN) phát hành thành công được thông báo trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (không bao gồm Masan) có tổng giá trị gần 24.000 tỉ đồng (tương đương hơn 1 tỉ USD). Trong đó, đa số là các đợt phát hành riêng lẻ của nhiều công ty bất động sản. Chẳng hạn, trước Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên có Công ty TNHH kinh doanh nội thất Luxury Living phát hành thành công lô TP có tổng giá trị 4.800 tỉ đồng. Lô TP này có LS kết hợp giữa mức cố định 9%/năm và thả nổi; Công ty CP đầu tư và kinh doanh Nam An đã hoàn tất đợt chào bán 4.700 tỉ đồng TP, kỳ hạn 18 tháng, LS kết hợp giữa cố định 13%/năm và thả nổi…

Thông tin phát hành thành công của các DN nêu trên có thể được xem là tin vui cho thị trường TP nói chung. Đặc biệt so với 2 tháng đầu năm nay lượng TP phát hành thành công rất ít. Cụ thể như tháng 2.2023 chỉ có 3 đợt phát hành TP riêng lẻ và ra công chúng thành công có tổng giá trị 2.000 tỉ đồng. Thậm chí theo thống kê của Hiệp hội TP VN, trong tháng 1.2023 không có đợt phát hành nào.

Cần thêm giải pháp phát triển dài hạn

Không chỉ các DN đã bắt đầu phát hành thành công TP, một số công ty cũng thuận lợi hơn trong đàm phán với trái chủ về quá trình thanh toán các lô TP đến hạn - vốn đã gây căng thẳng cho thị trường thời gian qua.

Cụ thể, như Hưng Thịnh Land (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh) đã thỏa thuận thành công với các trái chủ về việc kéo dài kỳ hạn cũng như một số vấn đề liên quan. Hưng Thịnh Land được gia hạn thời gian thanh toán thêm 6 tháng và 7 tháng cho 2 lô TP đến ngày 19.9.2023 (thay cho thời gian đáo hạn vào ngày 19.3.2023) và đến ngày 20.10.2023 (thay vì đáo hạn vào ngày 20.3.2023). Hai lô TP trên có tổng giá trị 900 tỉ đồng. Đồng thời công ty cam kết, ngày thanh toán được phép chậm tối đa vào ngày cuối cùng của tháng đó. Trường hợp trả gốc, lãi hơn cam kết thì LS phải trả lên đến 18%/năm…

TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá cũng có thể xem là tin vui khi đã có công ty thỏa thuận được với trái chủ để kéo dài thời gian thanh toán hay một số đơn vị đã huy động vốn thành công qua kênh TP. Nghị định 08/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TP DN riêng lẻ đã giúp các DN tái cấu trúc được nợ. Trong khi đó, quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư vào TP DN vẫn cần có thời gian để khôi phục. Ông cho rằng Chính phủ cần xem xét để bổ sung thêm một số quy định trong dài hạn, như bắt buộc các đơn vị phân phối lại TP (như ngân hàng, công ty chứng khoán) mua lại TP cho nhà đầu tư khi trái chủ có nhu cầu bán trước hạn. Điều đó sẽ giúp tạo lại được niềm tin cho công chúng.

Các DN vẫn phải tăng cường công khai minh bạch thông tin, kế hoạch sử dụng vốn khi phát hành TP. Chính phủ phải đẩy nhanh việc nâng hạng thị trường chứng khoán của VN từ thị trường cận biên lên mới nổi để từ đó cả kênh TP lẫn cổ phiếu sẽ phát triển mạnh hơn, tạo thành kênh huy động vốn dài hạn cho DN…

TS Cấn Văn Lực

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng dù vẫn còn quá sớm để cho rằng thị trường TP DN được khơi thông trở lại, nhưng việc DN phát hành thành công TP là tín hiệu tích cực. Đặc biệt số lượng các đợt phát hành TP của DN thành công là khá lớn khi so với quý 4/2022 và tháng 2.2023 (loại trừ tháng 1 do có đợt nghỉ Tết âm lịch). Đây cũng có thể nói rằng một phần nhờ hiệu quả từ Nghị định 08/2023 của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Lực, đó vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn để tháo gỡ "thanh khoản" cho số lượng TP được đáo hạn trong năm 2023 - 2024. Về dài hạn, để giúp thị trường TP phát triển, tâm lý nhà đầu tư ổn định thì cần thêm các giải pháp khác. Cụ thể, nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích DN phát hành TP ra công chúng. Bởi hiện vẫn có nhiều DN e ngại phát hành TP do thời gian phê duyệt dài, điều kiện nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho DN nói chung (không chỉ cho phát hành TP DN); Sớm xây dựng thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về TP, về tài sản đảm bảo… để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.