Ngân hàng Nhà nước: Cẩn trọng với dòng vốn FDI nóng mang tính 'đầu cơ'

Mai Hà
Mai Hà
16/10/2023 13:57 GMT+7

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng FDI rất quan trọng với Việt Nam, song cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn "nóng", mang tính "đầu cơ", hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính.

Chia sẻ với các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài (FDI) tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI do Thủ tướng chủ trì sáng nay 16.10, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định luôn đảm bảo thanh khoản cũng như điều hành linh hoạt lãi suất. 

NHNN: Cẩn trọng dòng vốn FDI nóng mang tính 'đầu cơ' - Ảnh 1.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN

NHẬT BẮC

NHNN đang là một trong số ít ngân hàng T.Ư có thể giảm lãi suất điều hành, qua đó, lãi suất của thị trường cũng giảm, thể hiện rõ qua mặt bằng lãi suất và thanh khoản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận vốn, tín dụng nếu cần thiết, với chi phí thấp hơn.

Liên quan đến tỷ giá tiền tệ, điều các nhà đầu tư rất quan tâm, NHNN đã cố gắng điều hành ổn định thị trường ngoại tệ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn; ổn định tỷ giá. Các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. 

"NHNN luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo khi thị trường thừa ngoại tệ thì NHNN can thiệp để mua vào. Đặc biệt, năm 2022, khi thị trường rất khó khăn, Mỹ thắt chặt tiền tệ, rút tiền về thì hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho thị trường", ông Hà nói.

Năm nay, trong bối cảnh các ngân hàng T.Ư tiếp tục thắt chặt tiền tệ, NHNN vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và tỷ giá biến động khoảng 5,9%, là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực.

Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay, quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. NHNN cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo NHNN, gần 40 năm qua, vốn FDI rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

"Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn "nóng", mang tính "đầu cơ", hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính", Phó thống đốc NHNN nêu.

Ông Minh Đỗ, Giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus có quy mô 2 tỉ USD tại Việt Nam, cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cũng như là cầu nối cho các quỹ đầu tư và các công ty hàng đầu thế giới đến với Việt Nam.

Ông Minh Đỗ cũng đề nghị Chính phủ có thể xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài. 

Đồng thời, xem xét tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư cho các dự án điển hình như khách sạn Metropole Hà Nội hay dự án tích hợp Hồ Tràm Grand "để chúng tôi có thể nhanh chóng triển khai đầu tư, nâng tầm dự án".

NHNN: Cẩn trọng dòng vốn FDI nóng mang tính 'đầu cơ'  - Ảnh 1.

Ông Ng Boon Teck, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam

NHẬT BẮC

Singapore muốn xây dựng "đường cao tốc" logistics

Ông Ng Boon Teck, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, cho biết: "Doanh nghiệp Singapore có rất nhiều hoài bão và kỳ vọng xây dựng một hệ thống logistics càng đơn giản, hiện đại càng tốt, kết nối hạ tầng đường sá, thông tin, kinh tế".

Đại diện các doanh nghiệp Singapore cũng đề xuất Việt Nam khẳng định vai trò trung tâm, trung chuyển, đẩy mạnh giao thông giữa các tỉnh biên giới và giữa Trung Quốc - ASEAN. Đặc biệt, cần nhìn nhận rõ quy trình thực hiện cơ chế một cửa, để quá trình thông quan trở nên đơn giản hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.