Ngày 19.3, Ngân hàng Nhà nước hút thêm 10.000 tỉ đồng trên thị trường mở qua kênh phát hành tín phiếu. 10/13 thành viên tham gia thị trường trúng thầu khối lượng trên với lãi suất 1,35%/năm (giảm 0,04%/năm so với lãi suất ngày 18.3). Kỳ hạn tín phiếu là 28 ngày. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng về 100.000 tỉ đồng tín phiếu trong 7 phiên giao dịch.
Dù Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền về nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn không ngừng giảm. Ngày 19.3, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng giảm thêm 0,07 - 0,22%/năm so với ngày trước đó và nâng mức giảm so với cách đây 1 tuần lên 0,1 - 1,16%/năm. Lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 0,34%/năm, 1 tuần còn 0,61%/năm, 2 tuần còn 1,28%/năm, 2 tháng còn 2,53%/năm, 3 tháng còn 2,8%/năm, 6 tháng còn 4,13%/năm, 1 năm còn 5,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất USD đứng ở mức cao, dao động từ 5,19 - 5,73%/năm.
TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét, lãi suất liên ngân hàng giảm cho thấy các ngân hàng hiện nay đang dư tiền, dồi dào thanh khoản. Việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền về là việc cần thiết, tránh cho lãi suất giảm sâu, gây áp lực đầu cơ tỷ giá. Lượng tiền hút ròng những ngày qua lên 100.000 tỉ đồng vẫn chưa phải là con số quá lớn. Năm 2023, có thời điểm nhà điều hành rút về khoảng 250.000 tỉ đồng.
Trên thị trường huy động tiền gửi từ cá nhân, doanh nghiệp hiện nay, lãi suất cũng đã tiếp tục giảm xuống mức thấp. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, có khoảng 10 ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm với mức giảm từ 0,1 - 0,5%/năm tùy ngân hàng. Mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất hiện nay là 1,6%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, kỳ hạn 12 tháng dao động từ 4 - 5,3%/năm.
Bình luận (0)