Ngân hàng Nhà nước hút tiền về, lãi suất có tăng?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
25/09/2023 06:29 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước đã có 2 ngày liên tục hút tiền về với tổng khối lượng gần 20.000 tỉ đồng thông qua phát hành tín phiếu. Sau nhiều tháng trầm lắng, động thái của nhà điều hành gây lo lắng cho nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kênh tín dụng từ các nhà băng vẫn tắc.

Giảm áp lực tỷ giá

Theo kết quả chào bán tín phiếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất vào ngày 22.9. 5 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỉ đồng, lãi suất 0,5%, giảm 0,19% so với phiên đấu thầu trước đó. Cụ thể, ngày 21.9, nhà điều hành công bố kết quả chào thầu thành công gần 10.000 tỉ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%. Như vậy, NHNN đã hút ròng khoảng 20.000 tỉ đồng ra khỏi thị trường. Đây là động thái mới trên thị trường mở sau nhiều tháng gần như không có giao dịch nào.

Lạm phát tháng 8 tăng nhẹ không thành vấn đề nhưng cũng cần theo dõi thêm giá xăng dầu tăng trong thời gian tới có thể tác động đến chỉ số này. Số lượng tiền qua 2 phiên của Ngân hàng Nhà nước không nhiều nhưng qua đó cho thấy sự chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ của nhà điều hành.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét thông thường hoạt động hút tiền về của NHNN nhằm mục đích kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên tỷ giá. Thế nhưng trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp hiện nay thì động thái hút tiền về của NHNN nhằm giảm áp lực lên tỷ giá là chính. Nhìn lại trong tuần qua giá USD đã tăng lại lên mức cao nên việc hút tiền đồng về là điều cần thiết. Bởi trong bối cảnh các NH đang dư thừa thanh khoản, nếu dòng tiền này đổ vào USD sẽ gây nên áp lực tăng giá ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước hút tiền về, lãi suất có tăng? - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước hút gần 20.000 tỉ đồng trên thị trường

NGỌC THẮNG

Diễn biến gần đây của đồng USD trong hệ thống NH chủ yếu theo xu hướng tăng. Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố cuối tuần qua đạt mức 24.060 đồng, tăng 83 đồng so với đầu tháng 9, tương ứng mức tăng 0,35%. Trong khi tại các NH thương mại cũng chứng kiến "sóng" USD mạnh hơn với mức tăng 0,9%. Đơn cử tại Eximbank, giá mua USD lên 24.130 - 24.210 đồng, chiều bán ra lên 24.520 đồng. Vietcombank có giá mua USD lên 24.160 - 24.190 đồng, bán ra 24.530 đồng… So với cuối năm 2022, giá USD của các NH đã tăng 800 đồng/USD, tương ứng mức tăng gần 3,4%. Mặc dù trong cuộc họp tháng 9, cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất USD nhưng tín hiệu phát đi cho hay lãi suất sẽ còn tăng trong thời gian tới để đạt được mục tiêu lạm phát về 2%. Lãi suất USD đang cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây, ở mức 5,25 - 5,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước hút tiền về ảnh hưởng ra sao?

Trong khi đó thanh khoản tiền đồng dư thừa khiến lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng gần đây liên tục về sát mức 0%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống 0,15 - 0,25/năm, 1 tuần quanh 0,35%/năm, 2 tuần 0,49%/năm, 1 tháng 1,1%/năm, 3 tháng 3,07%/năm, 6 tháng 4,94%/năm… Riêng lãi suất USD trên thị trường liên NH dao động từ 5 - 5,74%/năm ở các kỳ hạn. Lãi suất tiền đồng liên tục giảm, trong khi USD lại tăng lên càng làm cho mức chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD ngày càng tăng cao. Điều này gây sức ép lên tỷ giá, đó là nguyên nhân khiến NHNN phải hút tiền về.

Tay trái rút, tay phải bơm

Một câu hỏi đặt ra là việc hút tiền về của NHNN có ảnh hưởng đến lãi suất tiền đồng hay không? Về việc này, ông Lê Đạt Chí cho rằng: Lượng tiền hút về chưa đến 20.000 tỉ đồng, chưa đến 1 tỉ USD trong bối cảnh các NH dư thừa thanh khoản nên sẽ không tác động đến mặt bằng lãi suất tiền đồng. Bên cạnh đó, tay trái hút tiền về, tay phải lại đẩy tín dụng, đưa nguồn vốn ra thị trường. NHNN sử dụng thị trường mở sau nhiều tháng không có giao dịch nào cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chính sách. 

"20.000 tỉ đồng mà NHNN hút về không phải quá lớn đối với thị trường, đặc biệt so với thị trường liên NH giao dịch mỗi ngày lên tới khoảng 200.000 tỉ đồng. Qua 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành đi xuống, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường hiện nay vẫn còn đang thực dương. Lãi suất cho vay giảm chậm nhưng cũng đã đi xuống nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn không nhanh lên được. Dữ liệu NHNN cho thấy đến ngày 29.8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Như vậy còn khoảng 1 triệu tỉ đồng tín dụng cần thực hiện đẩy ra nền kinh tế vào thời điểm cuối năm thì không thể nào tăng lãi suất cho vay lên được. Hơn nữa, kỳ hạn tín phiếu 28 ngày là không quá dài, NHNN sẽ thực hiện mua lại sau đó chưa đầy 1 tháng tới. Đồng thời lãi suất của tín phiếu ở mức thấp, chỉ 0,5 - 0,69%/năm, cũng sẽ không tác động đến lãi suất trên thị trường", ông Chí phân tích.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh hiện nay việc điều hành tỷ giá hối đoái để ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát là khá khó khăn. Mỹ tăng lãi suất USD lên mức cao nhất trong vòng 22 năm, chỉ số USD-Index trên thị trường quốc tế cũng ở mức cao. Thêm vào đó dòng tiền trong nước thông qua kênh đầu tư công, tăng lương… cũng chảy ra khá mạnh. Đó là chưa kể một lượng lớn tín dụng đang chờ để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh vào những tháng cuối năm. Chính vì vậy NHNN có động thái hút tiền về trong giai đoạn này cũng là điều cần thiết, tránh tỷ giá tăng, cũng như nguy cơ lạm phát tăng. 

"Lạm phát tháng 8 tăng nhẹ không thành vấn đề nhưng cũng cần theo dõi thêm giá xăng dầu tăng trong thời gian tới có thể tác động đến chỉ số này. Số lượng tiền qua 2 phiên của NHNN không nhiều nhưng qua đó cho thấy sự chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ của nhà điều hành. Việc bơm hút tiền là hoạt động bình thường của NHNN, có thời điểm trong ngày NHNN vừa bơm vừa hút tiền", ông Thịnh nói và cho rằng một điều đáng mừng là NHNN hút một lượng tiền gần 1 tỉ USD nhưng trả phí khá thấp, chỉ từ 0,5 - 0,69%/năm. Như vậy, bên cạnh lãi suất liên NH ở mức thấp thì lãi suất tín phiếu cũng khá thấp. Riêng lãi suất huy động và cho vay tiền đồng, trong bối cảnh nới lỏng chính sách tiền tệ thì thời gian tới sẽ không tăng lên mà có xu hướng giảm để hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Một số công ty chứng khoán đánh giá NHNN có các điều chỉnh mang tính định hướng về thanh khoản và mức độ dư thừa VND trên thị trường liên NH là cần thiết và đúng thời điểm. Việc hút tiền này tác động đến thị trường liên NH, mặt bằng lãi suất liên NH kỳ vọng được kéo nhích lên, từ đó tăng sức hấp dẫn của việc nắm giữ VND, giảm bớt áp lực giảm giá của đồng nội tệ và tạo sự linh hoạt cũng như chuẩn bị trước trong trường hợp áp lực lạm phát có thể quay trở lại trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.