Tín dụng tăng thấp, vốn vẫn nghẽn
Lãi suất (LS) tiền gửi kỳ hạn 6 tháng của các ngân hàng (NH) thương mại từ cuối tháng 8 đến nay đã tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn xoay quanh 6,3 - 6,5%/năm. Thậm chí ở nhiều nhà băng, LS huy động kỳ hạn 6 tháng lùi hẳn xuống dưới 6%/năm và thấp hơn cả mức LS đầu năm 2022.
Đó là kết quả sau 4 lần giảm LS điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kể từ đầu năm đến nay với tổng mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm LS cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân. Thế nhưng, LS cho vay vẫn giảm chậm hơn và đa số DN đang gánh lãi vay từ 10 - 12%/năm, thậm chí cao hơn, chỉ có những khoản vay mới hay ưu đãi mới xuống 8 - 9%/năm.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng vẫn còn có thể áp dụng thêm chính sách tiền tệ để hỗ trợ hoạt động của DN, góp phần thúc đẩy kinh tế. Cụ thể, đó là việc điều hành linh hoạt để giữ ổn định tỷ giá hối đoái, hay việc bơm hút dòng vốn từ nhà điều hành trên thị trường như thế nào để đảm bảo đưa được vốn đi vào nền kinh tế. Hiện nay, hoạt động cho vay hầu như do các NH thương mại tự quyết, trong khi bản thân các nhà băng cũng muốn cho vay bởi 70 - 80% nguồn lợi nhuận đến từ tăng trưởng tín dụng. Thế nhưng, chênh lệch LS giữa huy động và cho vay vẫn còn quá cao.
Theo ông Thịnh, từ tháng 9, Thông tư 06/2023 của NHNN cho phép NH mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại NH khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm nguồn vốn. Đây sẽ là động lực để các nhà băng xem xét lại các LS cho vay của mình, thúc đẩy mặt bằng LS giảm nhanh hơn.
"Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2023 mà NHNN đưa ra là 14%, nhưng sau 7 tháng chỉ tăng chưa được 5%. Như vậy dư địa cho vay, đẩy vốn ra phục vụ sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ kinh tế vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó, NHNN vẫn cần phải thúc đẩy thực hiện nhanh hơn các chương trình đã công bố như gói 120.000 tỉ đồng cho vay đầu tư và mua nhà ở xã hội; gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho vay với các lĩnh vực lâm sản, thủy sản…", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Vấn đề và Giải pháp: Chính sách thuế - mục tiêu gì?
Chính sách tài khóa cần thời gian "ngấm"
Bên cạnh chính sách tiền tệ, hàng loạt giải pháp thúc đẩy kinh tế thuộc chính sách tài khóa đã được Chính phủ thực hiện. Đó là thúc đẩy đầu tư công; giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% cho nhiều loại hàng hóa; gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập DN, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất từ 5 - 6 tháng…
Theo Bộ Tài chính, quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành năm 2023 khoảng 200.000 tỉ đồng. Trong đó miễn, giảm 79.000 tỉ đồng, gia hạn 121.000 tỉ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tăng trưởng kinh tế của VN vốn được xác định theo "cỗ xe tam mã": xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, xuất khẩu chưa thể hồi phục và rất khó để tìm kiếm thị trường mới do khả năng cạnh tranh cũng có giới hạn. Trong khi đó, đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của VN trong năm nay. Chính phủ đã tăng cường thúc đẩy giải ngân đầu tư công và vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện ở nhiều địa phương, bộ ngành để về đích vào cuối năm.
Riêng vấn đề tiêu dùng, dù có chính sách giảm thuế GTGT 2% cho nhiều hàng hóa nhưng vẫn chưa thể kích thích thị trường nội địa do thu nhập của người dân giảm sút. Thực tế cũng cần phải chờ các chính sách có thời gian lan tỏa. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay và giá xăng dầu đang có xu hướng tăng trở lại thì có thể xem xét giảm thuế GTGT đối với mặt hàng này. Bởi khi đưa ra chính sách giảm 2% thuế GTGT cho nhiều hàng hóa theo Nghị định 44/2023 của Chính phủ đã nêu rõ xăng các loại là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nên không được giảm thuế GTGT. Chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh: Xăng dầu là chi phí đầu vào của tất cả DN, người dân hay có thể nói là của cả nền kinh tế. Vì vậy có thể xem xét giảm thuế GTGT đối với mặt hàng này như các sản phẩm, dịch vụ khác để giảm chi phí cho DN. Từ đó góp phần giúp giá hàng hóa bình ổn để kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận xét: "Những chính sách gồm giảm thuế GTGT, miễn giảm một số loại thuế, phí phải cần có thời gian để trở thành động lực cho tiêu dùng. Dù vậy, sự phục hồi sức mua vẫn còn là ẩn số khi cả DN lẫn người dân chưa có niềm tin để mở rộng chi tiêu; đơn hàng khá khó khăn, thu nhập người lao động sụt giảm trong khi những mặt hàng thiết yếu lại có xu hướng tăng giá… Vấn đề giải ngân đầu tư công ngoài các công trình trọng điểm đang được "thúc" tiến độ thì một số nơi vẫn còn đang bị nghẽn về pháp lý, vật liệu đầu vào… Thế nên, hiện tại phải chờ các chính sách thẩm thấu vào thực tiễn như thế nào", TS Nguyễn Quốc Việt đánh giá.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%). Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Cả nước có 149.400 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18.700 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ngược lại, số DN rút lui khỏi thị trường là 124.700 DN, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 15.600 đơn vị rút lui khỏi thị trường.
Riêng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 352.100 tỉ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 47,6% và tăng 17,1%).
Bình luận (0)