Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp tháo gỡ khó khăn đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Về phía Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.
Phối hợp triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay. Rà soát các điều kiện cho vay phù hợp thuận lợi, khuyến khích cả người vay phát triển nguồn cung và người vay mua nhà.
Thủ tướng cũng yêu cầu có các gói khuyến mãi hợp lý ưu đãi để khuyến khích cả cung và cầu; phát huy cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý, cho vay tín dụng. Ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà cần phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục vụ phát triển thị trường bất động sản; nghiên cứu sớm hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động thành lập các tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng doanh nghiệp, người dân trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.
Các doanh nghiệp tập trung nguồn lực thỏa đáng, tìm cách ưu tiên cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án lớn có tính khả thi cao để sớm đưa vào kinh doanh, khai thác thu hồi vốn, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung cho thị trường;
Rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn; cơ cấu lại các sản phẩm, phân khúc sản phẩm, tập trung xử lý nợ xấu, nợ đến hạn để tạo cơ sở, điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán... triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, phải hỗ trợ, có các hình thức khuyến khích, tạo điều kiện cho người mua nhà về thủ tục.
Đối với người dân, phải nắm chắc, hiểu biết đúng các chính sách, pháp luật về bất động sản, tìm hiểu kỹ các thông tin dự án, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong khi điều kiện còn khó khăn…
Bình luận (0)