Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo đó, đơn vị này kiến nghị bổ sung quy định xử lý vi phạm về người có liên quan có quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của ngân hàng. Cụ thể, điều 4.24.g của dự thảo quy định người có liên quan còn có thể bao gồm pháp nhân, cá nhân khác có quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo yêu cầu bằng văn bản của ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát.
VCCI nhận định quy định này là hợp lý nhưng sẽ dẫn đến tình huống sau khi ngân hàng Nhà nước xác định một cá nhân, pháp nhân là người có liên quan thì cá nhân, pháp nhân hoặc nhóm người có liên quan đó sẽ vi phạm các quy định của luật này (có thể về giới hạn tỷ lệ sở hữu, hoặc giới hạn cấp tín dụng hoặc các quy định khác). Khi đó, chưa rõ các bên sẽ phải xử lý như thế nào: liệu các bên có phải điều chỉnh để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật hay quyết định xác định người có liên quan của Ngân hàng Nhà nước sẽ không hồi tố? Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ để xử lý trường hợp này, tránh lúng túng khi triển khai trên thực tiễn.
Đặc biệt, VCCI đề nghị quy định chi tiết hơn về việc công khai, công bố thông tin của ngân hàng. Điều 49 của dự thảo quy định về việc công khai và công bố thông tin của tổ chức tín dụng như phải niêm yết và định kỳ hàng năm gửi cho đại hội đồng cổ đông các thông tin về người quản lý, người điều hành và cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Hay điều 49.5 quy định tổ chức tín dụng phải công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên trên trang thông tin điện tử.
Tuy nhiên, hình thức công bố thông tin theo quy định trên không thực sự hiệu quả do số lượng người tiếp cận ít và chỉ mang tính thời điểm. Trong khi đó, đây đều là các thông tin quan trọng, liên quan đến tính đại chúng của ngân hàng. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về nghĩa vụ công khai, công bố thông tin của các tổ chức tín dụng theo hai hướng. Đó là nghiên cứu mở rộng phạm vi các thông tin phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử, gồm cả thông tin về người quản lý, người điều hành và cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên. Hai là nghiên cứu mở rộng thêm một số thông tin phải công bố mà có thể ảnh hưởng đến tính đại chúng của ngân hàng như dư cấp tín dụng của các cá nhân, tổ chức được quy định tại điều 135 và dư nợ cấp tín dụng của các khách hàng, nhóm khách hàng lớn tại điều 136.
Những thông tin này được công bố sẽ giúp cho việc giám sát an toàn hệ thống ngân hàng được thực hiện tốt hơn.
Bình luận (0)