Ngân hàng quản lý tiền gửi của khách thế nào?

16/08/2016 07:02 GMT+7

Đây là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra trong phiên tòa xử Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) liên quan đến khoản tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích (con gái Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát).

Theo cáo trạng và hồ sơ vụ án, bằng hành vi tự ý chuyển tiền trên tài khoản của khách hàng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo lấy ra 5.190 tỉ đồng của VNCB để trả nợ cho chính mình gây thiệt hại cho VNCB. Bên cạnh đó, ông Danh và các đồng sự còn tự ý dùng sổ tiết kiệm của khách hàng lập hồ sơ vay không có chữ ký của khách hàng để rút 300 tỉ đồng của VNCB.
Ngân hàng phải có trách nhiệm
Thực ra không phải đến vụ án Phạm Công Danh, vấn đề trách nhiệm ngân hàng (NH) trong việc quản lý tiền bạc của người gửi tiền đã được tranh luận khá gay gắt trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, chiếm đoạt hơn 4.911 tỉ đồng xảy ra tại NH TMCP Công thương VN (VietinBank) chi nhánh TP.HCM trước đây. Ở vụ Huyền Như, trong 18 tháng liên tục từ tháng 3.2010 - 9.2011, hơn 3.400 tỉ đồng trong số 5.000 tỉ đồng bị chiếm đoạt bằng hành vi giả chữ ký chủ tài khoản để rút tiền, chuyển tiền, lập hồ sơ vay giả, giả chữ ký để cầm cố tiền gửi của khách hàng. Vấn đề trách nhiệm của NH đã được tranh luận rất nhiều và bản án xét xử Huỳnh Thị Huyền Như đã bị hủy một phần với nhận định bị cáo này chiếm đoạt tiền của NH, phạm tội tham ô thay vì kết luận bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng trước đó. Điều này có nghĩa NH phải chịu trách nhiệm với tiền gửi của khách hàng.
Trở lại vụ án Phạm Công Danh, 5.190 tỉ đồng đã bị chuyển đi khỏi tài khoản của Trần Ngọc Bích mà không có bất kỳ chứng từ gì; 300 tỉ đồng VNCB cho vay cầm cố sổ tiết kiệm mà không hề có chữ ký của người vay, chủ sổ tiết kiệm. Cho dù tòa quyết định như thế nào, thì trách nhiệm của NH cũng cần được xác định một cách rõ ràng thì người gửi tiền mới có thể an tâm.
Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau về việc nhóm khách hàng Trần Ngọc Bích có nhận lãi ngoài quy định hay không, nguồn tiền gửi từ đâu, có quan hệ vay mượn với Phạm Công Danh hay không... Theo một chuyên gia tài chính, trong các quy định về trần lãi suất, đối tượng thực hiện, thi hành là tổ chức tín dụng.
Vấn đề đặt ra là nếu khách hàng nhận lãi suất vượt trần thì khách hàng có vi phạm pháp luật không? Chuyên gia này cho rằng không bỏ qua các vi phạm về quản lý trần lãi suất và các vi phạm khác, nhưng các vi phạm này cần được xử lý minh bạch, đúng pháp luật. Để xử lý vi phạm cần xác định rõ nhóm khách hàng Trần Ngọc Bích có nhận lãi suất vượt trần hay không, vi phạm quy định nào, chế tài xử lý ra sao? “Tuy nhiên, chuyện vi phạm trần lãi suất không liên quan đến câu chuyện xác định trách nhiệm của NH đã nhận tiền gửi, không thay đổi quyền của khách hàng với tiền gửi của mình”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Hệ thống NH đều đòi hỏi những chuẩn mực quản trị rất cao, để phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Trong đó, trách nhiệm của NH trong việc quản lý tiền huy động của dân được xác định rành mạch. Không phải ngẫu nhiên, trong khuôn khổ Hiệp ước Basel, Ủy ban Basel về giám sát NH đã ban hành khung quản trị rủi ro với tên gọi Basel II để khuyến cáo cần tăng cường công khai thông tin, trách nhiệm của NH, đồng thời nâng cao năng lực quản trị rủi ro vận hành của các tổ chức tín dụng. Hệ thống NH VN cũng đang từng bước thực hiện các khuyến cáo này. Xác định trách nhiệm của NH khi không tuân thủ các nguyên tắc quản trị, các quy định tối thiểu là điều cần làm để xây dựng hệ thống NH lành mạnh. Đây cũng là yếu tố để hạn chế những “Huỳnh Thị Huyền Như”, những “Phạm Công Danh” mới trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.