Kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài, với tăng trưởng GDP ước tính đạt mức 6,5% trong năm 2015.
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại buổi công bố báo cáo - Ảnh: Tr.Sơn
|
Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam được công bố hôm nay (2.12). Theo WB, mức tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ mà Việt Nam đạt được trong năm nay phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kỳ trung hạn của Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa cho rằng, viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực, trong đó dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn, và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khoá sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công.
Tại chuyên đề về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong báo cáo này, các chuyên gia của WB cho rằng, TPP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam.
Theo ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Hiệp định TPP mới hoàn tất gần đây sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam.
Báo cáo của WB đánh giá, TPP sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm. Ước tính sơ bộ, TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, và 12% lượng tích lũy tài sản trong vòng 20 năm tới. Kết quả dự báo cho thấy hiệp định thương mại này sẽ làm tăng GDP thực tế của Việt Nam khoảng trên 8% (lũy kế) vào năm 2030.
Theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, một trong những tác giả của báo cáo, mặc dù có khá nhiều thách thức nhưng khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam là khả quan. Theo chuyên gia này, muốn nâng cao khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam với TPP, cần tạo ra môi trường bình đẳng, không chèn ép để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh, phổ biến thông tin.
Một điều quan trọng khác, theo WB, TPP sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong nước của Việt Nam. “TPP không chỉ loại bỏ rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn mà còn góp phần nâng cao chất lượng luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lý doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn thực phẩm...”, chuyên gia Phạm Minh Đức cho biết.
WB cho rằng, việc thực hiện các cam kết khi tham gia TPP sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam do Việt Nam lựa chọn con đường cải cách từ từ và bởi một số yếu tố lịch sử để lại như khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn, thể chế thị trường không hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, báo cáo cũng khẳng định “Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng có thể tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy cải cách trong nước khi gia nhập WTO, nhất là trong những lĩnh vực khó thực hiện”.
Bình luận (0)