(TNO) Thừa nhận lãi suất cao trong thời gian vừa qua đã một phần khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, tại cuộc họp báo sáng 11.4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, vấn đề hiện nay không còn ở lãi vay cao mà chính ở khả năng hấp thụ vốn quá yếu của DN. Bằng chứng là, nhiều ngân hàng (NH) thừa tiền, dư thanh khoản nhưng cũng không cho vay nổi.
Minh chứng rõ nhất cho tuyên bố trên được dẫn từ mức tăng trưởng tín dụng âm khi khép lại quý 1/2012, đồng nghĩa với việc các NH không cho vay thêm được.
“Nếu quý 4 năm ngoái, DN không tiếp cận được vốn với lãi suất (LS) cao là đúng, thì đến nay vấn đề lại nằm ở khả năng hấp thụ vốn quá kém của DN. Tăng trưởng tín dụng thấp, các tổ chức tín dụng (TCTD) thừa tiền để mua trái phiếu, tín phiếu, nhưng không tìm được DN đáp ứng đủ điều kiện để cho vay”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói thêm.
|
Một số liệu khác cũng cho thấy, nếu trước tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng vốn cao hơn nguồn vốn, thì trong tháng 3.2012 đã chênh lệch nhau 130.000 tỉ đồng, tức nguồn đã cao hơn nhu cầu sử dụng nguồn.
Cũng thời điểm này, tiền gửi của các TCTD tại NHNN trung bình đạt 60.000 tỉ đồng, cao hơn dự trữ bắt buộc từ 15.000 đến 20.000 tỉ đồng.
Vừa qua, trái phiếu chính phủ (TPCP) được phát hành thành công, dù LS rất thấp, chỉ hơn 11% với kỳ hạn 3-5 năm nhưng các NH vẫn mua khá nhiều.
Ngoài ra, từ giữa tháng 3.2012 đến nay, tín phiếu NHNN tung ra với 3 kỳ hạn 1, 3, 6 tháng với tổng số lượng tín phiếu NHNN đã phát hành ra 45.000 tỉ đồng được hấp thụ hết.
“Số liệu cho thấy thanh khoản hệ thống tương đối dồi dào. Từ đó, tạo điều kiện cho NHNN giảm LS, nhưng sức hấp thụ của DN vẫn còn kém nên không vay được”, ông Bình nói.
Liên quan đến mặt bằng LS, ông Bình cho biết, từ đầu năm tới nay, mặt bằng LS huy động tuy chưa đồng đều ở các TCTD nhưng có sự tích cực tại các NH lớn, khi bắt đầu niêm yết theo kỳ hạn khác nhau.
Tổng mức LS mà các TCTD áp dụng thấp hơn so với trần quy định của NHNN.
Về LS cho vay, trong quý 1/2012, mặt bằng chung giảm từ 2-3%/năm. Ví dụ, cho vay tam nông, xuất khẩu 14-16%/năm, thấp nhất 13%/năm. Cho vay sản xuất khác từ 15-19%/năm, có trường hợp thấp nhất là 15%/năm, cho vay không khuyến khích 20-25%/năm.
Tín dụng tăng trưởng âm 0,4%
Về tăng trưởng tín dụng, số liệu NHNN cho thấy, trong tháng 1.2012 giảm khoảng hơn 2% so với cuối năm 2011; tháng 2.2012 giảm 0,07% (cơ bản là cân bằng giữa thu nợ và cho vay mới - không tăng không giảm); tháng 3.2012 tín dụng đã tăng trên 1%. Đến hết ngày 31.3, theo số liệu báo cáo của các NH, tăng tín dụng trong hệ thống giảm hơn 1%. Tuy nhiên, theo số liệu NHNN phân tích, do cuối quý 4/2011, một số TCTD tăng trưởng tín dụng ảo, muốn lấy khối lượng tăng tín dụng cao để khi NHNN áp hạn mức sẽ nhận được tỷ lệ cao tương ứng. Sau khi loại trừ phần tăng ảo này, tựu trung, trong 3 tháng vừa qua của năm 2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm 0,4%. Mức giảm này, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình là chưa lớn, chưa đáng lo ngại và nghiêm trọng. Và nếu các tháng còn lại tín dụng tăng từ 1,5-2%/tháng thì có thể đạt được 15-17% như mục tiêu đề ra.
|
Anh Vũ
>> Ngân hàng sợ vốn “nhà giàu”
>> Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tìm nhiều giải pháp để hạ lãi suất”
>> Lãi suất huy động còn 12%
>> Xuất khẩu gặp khó vì lãi suất
>> Yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất vay
>> Ngân hàng Nhà nước yêu cầu 5 ngân hàng hạ lãi suất cho vay
>> Lãi suất giảm còn 13%/năm
>> Lãi suất huy động 13% !
>> Giảm trần lãi suất huy động xuống còn 13%/năm
>> Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất
>> Một số ngân hàng hạ lãi suất huy động
>> Không dễ vay lãi suất thấp
>> Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tìm nhiều giải pháp để hạ lãi suất”
>> Doanh nghiệp vẫn khó vì lãi suất
Bình luận (0)