Ngân hàng thương mại đã được 'thúc' tăng cường vốn cho bất động sản

Mai Phương
Mai Phương
27/04/2023 11:35 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, tăng nguồn vốn cho bất động sản.

Sau khi nghe ý kiến trao đổi từ các doanh nghiệp ngay tại hội thảo "Vực dậy bất động sản, thúc đẩy hồi phục kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 27.4, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM - chia sẻ về một số cơ chế chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ban hành, trong đó có các giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế.

Ngân hàng thương mại đã được 'thúc' tăng cường vốn cho bất động sản - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM

ĐỌC LẬP

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Việc giảm lãi suất tiền gửi sẽ có tác động đến nền kinh tế. Mới đây là chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn. Đây là chính sách rất mạnh vì chỉ áp dụng cho giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, khủng hoảng kinh tế toàn cầu như năm 2008 và gần nhất được thực hiện khi đại dịch Covid-19. Việc gia hạn nợ nghĩa là kéo dài thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có thời gian trả nợ, vẫn được vay vốn như thông thường. Việc thẩm định, cơ cấu lại nợ do chính ngân hàng quyết định nên vẫn có sự thuận lợi, đi vào thực tiễn cuộc sống ngay.

NHNN - Chi nhánh TP.HCM cũng tổ chức triển khai ngay, đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng và theo dõi các ngân hàng thực hiện việc cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn. Đồng thời cơ quan này cũng tăng cường thanh tra, giám sát để chính sách đi vào đúng địa chỉ, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngân hàng thương mại đã được 'thúc' tăng cường vốn cho bất động sản - Ảnh 2.

Hội thảo "Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 27.4

ĐỘC LẬP

Đặc biệt, mới đây, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường nguồn vốn tốt nhất cho doanh nghiệp BĐS. Cụ thể, đối với các dự án có đầy đủ pháp lý thì đảm bảo vốn vay khi doanh nghiệp có nhu cầu. Bên cạnh đó ngân hàng cũng chủ động phân loại doanh nghiệp, dự án BĐS theo từng phân khúc để từ đó có giải pháp cho vay.

Ông nhấn mạnh: Giải pháp đảm bảo cung ứng tốt nhất nhu cầu vốn thì sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cũng đang thực hiện triển khai gói cho vay 120.000 tỉ đồng từ nguồn vốn chủ động của mình để cho vay. Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư với lãi suất 8,7%/năm và người mua nhà xã hội 8,2%/năm. Đây cũng là một lãi suất mềm cho kỳ hạn vay trung dài hạn. Nhưng nếu so với lãi suất 5% của Ngân hàng Chính sách xã hội thì vẫn cao. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho người dân thì phải có giải pháp tổng thể như phải có chính sách bù lãi suất như Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay. Nhưng mấu chốt là phải có nguồn cung, phải có dự án nhà ở xã hội hay chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ thì ngân hàng mới có thể cho vay theo gói 120.000 tỉ đồng như đã nêu.

"Hàng loạt giải pháp đã ban hành, vấn đề hiện tại là thực hiện. Các doanh nghiệp nếu có gì khó khăn, vướng mắc thì có thể phản ánh, thông qua đường dây nóng. Có thể NHNN - Chi nhánh TP.HCM có thể kết nối giữa doanh nghiệp cùng ngân hàng để cùng bàn bạc, thỏa thuận vì vay vốn là theo cơ chế thỏa thuận", ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Trần Du lịch: ‘Hết quý 1 thị trường bất động sản ấm dần’


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.