Thông tin tại Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" tại Đồng Tháp ngày 18.11 do Báo Thanh Niên tổ chức.
Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn hơn 64% tổng dư nợ
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm qua đã có những bước khởi sắc và phát triển, chuyển mạnh từ kinh tế thuần nông sang kinh tế hàng hóa, nông nghiệp chất lượng cao, hướng đến kinh tế công nghiệp - dịch vụ, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Là ngân hàng thương mại chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn dành trên 60% tổng dư nợ nền kinh tế đầu tư phát triển “Tam nông”. Nguồn vốn Agribank chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Ngân hàng triển khai cho vay để chuyển mạnh từ kinh tế thuần nông sang kinh tế hàng hóa, nông nghiệp chất lượng cao |
Độc lập |
Tính đến tháng 10, tổng dư nợ của Agribank đạt hơn 1,415 triệu tỉ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 907.940 tỉ đồng, chiếm hơn 64% tổng dư nợ. Riêng tại khu vực ĐBSCL, tổng dư nợ 215.943 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn 179.408 tỉ đồng, chiếm 83% tổng dư nợ cho vay.
Với lợi thế mạng lưới rộng lớn ở khu vực ĐBSCL với 17 chi nhánh loại I, 145 chi nhánh loại II và 145 phòng giao dịch cùng hơn 5.200 cán bộ, Agribank luôn đồng hành cùng với người nông dân trên những chặng đường mới của nền nông nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Ngân hàng không ngừng cung cấp những sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại, góp phần đưa quy mô tín dụng có mức tăng trưởng khá tốt và ổn định trong 10 năm qua.
Ông Nguyễn Thanh Xuân phát biểu tại hội thảo |
Độc Lập |
Đối với tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã triển khai một số chương trình như cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015 đạt 908.000 tỉ đồng. Trong đó khu vực ĐBSCL là 152 tỉ đồng, cho vay theo các quyết định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 607 tỉ đồng, trong đó khu vực ĐBSCL là 300 tỉ đồng; cho vay đóng tàu theo Nghị định số 67/2014 đạt 1.108 tỉ đồng, trong đó khu vực ĐBSCL là 276 tỉ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP đạt 553 tỉ đồng, trong đó khu vực ĐBSCL là 56 tỉ đồng…
Triển khai các mô hình cho vay khép kín
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, ông Nguyễn Thanh Xuân cho rằng ĐBSCL phải tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 18/6/2022 về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu
Chỉ thị nhằm phát triển vùng ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; xác định "nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng", chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh. Đồng thời phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa nông thôn với đô thị.
Ông Nguyễn Thanh Xuân đề xuất một số vấn đề cần quan tâm tập trung ưu tiên vốn đầu tư để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp; triển khai có hiệu quả về chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, các mô hình cho vay khép kín liên kết giữa ngân hàng - nhà nông- nhà doanh nghiệp - nhà khoa học. Đẩy mạnh công tác huy động vốn, đặc biệt là các nguồn vốn có tính ổn định cao, nguồn vốn trung và dài hạn; tập trung khai thác nguồn vốn từ dân cư, nguồn vốn từ các tổ chức kinh tế để đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trọng điểm của các tỉnh trong khu vực.
Agribank sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển khách hàng, ban hành các cơ chế, chính sách cho vay theo từng sản phẩm riêng biệt, theo từng lĩnh vực, ngành hàng phù hợp với quá trình sản xuất, chế biến, từng loại cây trồng, vật nuôi; từng bước chuyển dần sang đầu tư theo mô hình khép kín, trọn gói từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu; gắn đầu tư tín dụng với bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác đối với một khách hàng. Có cơ chế ưu đãi về lãi suất, phí, nguồn vốn để cho vay đầu tư các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Tiếp tục tăng cường đầu tư công nghệ thông tin vào các sản phẩm, dịch vụ tiện ích của ngân hàng để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Đồng thời, tăng cường phối hợp hiệu quả với các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) trong cho vay hộ sản xuất. Cải tiến và đơn giản hóa các thủ tục vay vốn đối với hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo cho hộ nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi nhất. Phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác và thực hiện cho vay đối với các đơn vị đầu mối là các Tập đoàn, các Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong vùng để triển khai các chương trình kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và các chương trình kinh tế vùng, đáp ứng nhu cầu vốn thu mua, tiêu thụ hàng hoá nông sản của khu vực, góp phần ổn định thị trường, ổn định đời sống của bà con nông dân.
Bình luận (0)