Sở LĐ-TB-XH TP.HCM mới đây “than” khó vì hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm của nước ta (cụ thể là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định 178 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh này) đã ban hành hơn 15 năm và bộc lộ hạn chế, không còn phù hợp thực tiễn, nhất là khó áp dụng để xử lý mại dâm đồng tính.
Nhưng nhiều năm trước, vấn đề xử lý mại dâm đồng tính từng được đem ra thảo luận, xa hơn nữa là các tranh luận liên quan hợp pháp hóa mại dâm, hôn nhân đồng giới hay không...
Cụ thể hạn chế ở đây là đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục, quan hệ tình dục nam với nam, nữ với nữ, kể cả quan hệ tập thể nam - nam, nữ - nữ không thuộc khái niệm định nghĩa “mại dâm” (xác định mại dâm thì phải xảy ra hành vi “giao cấu”), tức không thể hiểu quan hệ đồng tính là “giao cấu” như cách hiểu thông thường. Đồng thời, pháp luật cũng chưa quy định rõ về việc xử lý đối tượng vi phạm, gồm người mua dâm, người bán dâm là người đồng tính, chuyển giới...
Chính vì vậy, không thể xử lý mại dâm đồng tính về các tội hình sự liên quan mại dâm hay xử lý vi phạm hành chính đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm đồng tính xảy ra tại cơ sở mình. Trong khi đó, hoạt động mại dâm đồng tính ngày càng gia tăng.
Đúc kết thực tiễn cho thấy khuôn khổ quy định về phòng chống mại dâm ở nước ta chưa theo kịp thực tế, khi tình trạng môi giới hay hoạt động mại dâm đồng tính gia tăng. Do vậy, cần phải nhanh chóng điều chỉnh pháp luật, giải thích rõ nghĩa quy định về mại dâm đồng tính, hoặc trước mắt, có văn bản hướng dẫn thống nhất cách xử lý mại dâm đồng tính trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan để tránh những trường hợp “khó xử” khi hành pháp và ngăn ngừa hệ lụy của mại dâm đồng tính đối với xã hội.
Bình luận (0)