“Dễ cho anh này khó cho anh kia”
|
Tại phiên thảo luận tổ tuần qua về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội (QH) khóa 13 thông qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhiều lần nhấn mạnh đến nguy cơ lợi ích nhóm trong ban hành chính sách. Điều này xuất phát từ thực trạng luật của ta khi ban hành chủ yếu là luật khung, luật ống, phải chờ văn bản hướng dẫn. Ông Quyền cho rằng sau khi luật ban hành, cùng lắm chỉ thêm nghị định hướng dẫn của Chính phủ là thực thi được, không nên có thêm thông tư. “Thêm thông tư rất là gay, vì khi ban hành quy định cụ thể thực thi chính sách, bao giờ cơ quan ban hành chả muốn thuận lợi cho việc quản lý của mình, mà rõ ràng đã thuận lợi cho anh này thì khó khăn cho anh kia, chưa nói tới yếu tố lợi ích nhóm chi phối”, ông Quyền phân tích.
Để khắc phục, ông Quyền đề nghị cần có cơ chế để các ủy ban của QH mời các chuyên gia pháp luật giỏi cùng thẩm định, phản biện các văn bản luật Chính phủ trình, có cơ chế trả lương cao cho đội ngũ chuyên gia này; chấm dứt tình trạng ban hành thêm thông tư hướng dẫn. Đồng thời, cơ quan thẩm tra phải làm hết trách nhiệm của mình trong phản biện chính sách, thẩm tra luật để “rà cho được yếu tố lợi ích nhóm” từ các chính sách đệ trình.
|
Không giống nước nào trên thế giới
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo dẫn lời nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc “trước đây khi chưa có luật thì dân ta sống trong… luật rừng, còn bây giờ quá nhiều luật thành ra dân sống trong rừng luật” để minh họa thực trạng: quá nhiều luật được ban hành, nhưng đi vào cuộc sống thì không được bao nhiêu. Cũng theo ông Thảo, so với các nước trên thế giới, VN là nước hy hữu khi có luật rồi còn phải chờ nghị định, thông tư mới thực hiện được. Vì vậy, giải pháp đặt ra là cố gắng hạn chế giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn.
Trả lời Thanh Niên, Phó chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ, ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước, chính từ yêu cầu quản lý nên Chính phủ đề xuất và soạn thảo luật là đúng. Các nước cũng thế, nhưng cách làm của họ khác ta, đó là chính phủ đề nghị lên QH thảo luận, không đạt phải về làm lại, làm đến khi nào QH đồng ý mới thôi.
Ông đánh giá: Theo cách làm luật của ta hiện nay, Chính phủ là cơ quan soạn thảo, sau lần đầu cho ý kiến lại chuyển sang cho các ủy ban của QH thẩm tra, chỉnh lý, dẫn đến khi trình lần thứ 2 thì hầu như không ai phản biện nữa. Như thế, ủy ban của QH làm luật thì còn phản biện gì nữa, vì ủy ban đã đại diện cho Ủy ban TVQH. Vì vậy, nhiều luật khi đưa ra biểu quyết thấy đồng thuận cao, nhưng tính khả thi không có. “Cho nên, anh nào trình luật thì phải theo đến cùng dự luật đó trong quá trình ủy ban của QH thẩm tra, đại biểu QH phản biện. QH sẽ phản biện hết lần này đến lần khác, có thể 1 kỳ, 2 kỳ, 3 kỳ họp… đến khi nào không còn bóng dáng hay yếu tố lợi ích nhóm, không còn chỉ thuận cho cơ quan quản lý mà bất lợi cho người dân thì mới thông qua”, ông Độ nêu quan điểm.
Cần xem xét một cách nghiêm túc Lợi ích nhóm trong ban hành chính sách tại VN chắc chắn là có, bằng nhiều hình thức khác nhau rất tinh vi, nên dấu hiệu để nhận biết không hề đơn giản, rất khó khăn. Hiện nay chúng tôi chưa có nghiên cứu chính thức về vấn đề này, nhưng theo tôi cần xem xét một cách nghiêm túc. Ông Ngô Văn Minh Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch Lợi ích nhóm ở VN có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển... Những hoạt động này len lỏi cả vào các hoạt động rất trí thức và cao sang như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, mua điểm, chấm luận án. Những nhóm lợi ích ở VN hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc, vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân, với chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ. TS Lê Đăng Doanh Anh Vũ |
Bảo Cầm
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Đại biểu Quốc hội bức xúc sách in cờ Trung Quốc
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị tổ chức đi Trường Sa
Bình luận (0)