Ngân sách cho giáo dục chưa đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước

14/12/2023 10:22 GMT+7

Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 yêu cầu ngân sách cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng thực tế chưa đạt được, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT.

Sáng nay 14.12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 4.11.2013) của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Trong báo cáo tổng kết của Bộ GD-ĐT, bên cạnh một số kết quả, Bộ GD-ĐT cũng nêu một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục, trong đó có vấn đề chi ngân sách cho giáo dục chưa đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Ngân sách cho giáo dục chưa đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc báo cáo tại hội nghị

MINH TUẤN

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, một trong những thành tựu nổi bật mà ngành GD-ĐT đạt được trong 10 năm qua là hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân; cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng nêu vấn đề: ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước, theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GD-ĐT, nhất là trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.  Việc đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao. Chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục".

Ngân sách cho giáo dục chưa đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước - Ảnh 2.

Biểu đồ chi ngân sách cho giáo dục từ năm 2013 đến 2023, trong đó năm cao nhất là 19,1% (2019), năm thấp nhất là 15,8% (2023)

NGUỒN: BỘ GD-ĐT

Theo ông Phúc, việc thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về GD-ĐT; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho GD-ĐT, chưa thể hiện được quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT còn hạn chế; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực GD-ĐT; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở GD-ĐT còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Phúc cho biết, qua tổng kết, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW mang tầm chiến lược, cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Vì vậy, Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết này.

Trong đó tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra trong nghị quyết, đặc biệt là thực hiện đúng quan điểm coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục. Tập trung đầu tư cho giáo dục đại học để tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đạt tỷ trọng trên GDP bằng mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.