Ngân sách nghiên cứu chỉ hơn 10 triệu đồng/giảng viên/năm

Hà Ánh
Hà Ánh
22/11/2022 07:07 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT, nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ giai đoạn 2016 - 2021 còn rất nhiều hạn chế, vướng mắc.

Sáng 21.11, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (Ủy ban Về giáo dục và phát triển nhân lực) phối hợp với Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về giải pháp đẩy mạnh hoạt động khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, những năm qua các cơ sở giáo dục ĐH đã phát triển mạnh mẽ về số lượng công bố quốc tế. Cụ thể, trong vòng 5 năm, công bố trên các tạp chí uy tín tăng hơn 3 lần. Bộ GD-ĐT cũng có hỗ trợ dự án nâng cấp các tạp chí khoa học trong nước thành tạp chí quốc tế. Hiện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có tạp chí vào danh mục Scopus và 11 tạp chí của các trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT đã gia nhập hệ thống trích dẫn ACI.

Đang vướng… 8 luật

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT giai đoạn 2016 - 2021 còn rất nhiều hạn chế, vướng mắc.

Cần ứng xử với các trường ĐH như một cơ sở khoa học công nghệ dùng kinh phí cấp cho nghiên cứu để trả lương cho các nghiên cứu viên

PHẠM HỮU

Tiến sĩ Trần Nam Tú, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GD-ĐT), nêu ra các vướng mắc không chỉ trong cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển mà còn trong việc đầu tư tài chính từ ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ. Ông Tú nói: “Ngân sách nhà nước cho hoạt động này phải nói còn rất hạn hẹp. Một suất đầu tư trên tổng số bình quân từ thạc sĩ trở lên chỉ trên 10 triệu đồng/giảng viên mỗi năm. Cần có thêm sự năng động của chính các cơ sở đào tạo mới tạo ra được nguồn tăng thêm”.

Không chỉ vậy, theo ông Tú, cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là từ doanh nghiệp, chưa hiệu quả. “Việc thu hút các nguồn này rất khó, cái khó không phải doanh nghiệp không đồng hành mà ở chỗ doanh nghiệp đầu tư vào thì họ có được cái gì”, ông Tú nói. Do vậy, cần có cơ chế để doanh nghiệp tham gia hoạt động này.

Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cũng cho biết: “Một vấn đề nữa là cơ chế thu hút đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH chưa hấp dẫn và hiệu quả. Nếu giả sử không có quy định về chuẩn giờ giảng, chuẩn giờ nghiên cứu khoa học quy đổi thì có lẽ kết quả nghiên cứu khoa học rất đáng lo ngại”. Ông cho rằng việc này có phần rất lớn từ chính các trường ĐH với những chính sách, cơ chế tạo hành lang, động lực để thu hút thầy cô tham gia nghiên cứu.

PGS-TS Lê Văn Thăng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Để làm câu chuyện hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ, chúng ta đang vướng mắc 8 luật, không tính nghị định và thông tư”. Ông Thăng kể ra tên nhiều luật liên quan, trong đó có một phần luật Giáo dục. “Luật Giáo dục có quy định khá chặt chẽ về giờ giảng dạy của các trường công. Khi chúng ta quy định điều đấy, chúng ta có nghĩ tới đội ngũ các thầy cô giảng dạy các môn cơ bản ít có năng lực nghiên cứu khoa học không? Các thầy cô càng học lên cao, càng nhiều bằng cấp, càng giỏi càng chuyên sâu thì giờ giảng dạy càng ít đi chứ làm sao vẫn 270 giờ được?”, ông Thăng đặt vấn đề.

Từ đó, ông Thăng đề xuất có thể vẫn quy định số giờ như vậy nhưng nên để các trường ĐH linh động chia sẻ qua lại thì hay hơn là quy định cứng mức tối thiểu. “Đặc biệt hơn nữa, chúng ta cho chuyển đổi giờ dạy mà không cho chuyển đổi giờ nghiên cứu ngược lại, trên thực tế chúng ta đang làm hạn chế, lãng phí câu chuyện hoạt động nghiên cứu”, ông Thăng nhận định.

Giải pháp thu hút nhân lực nghiên cứu

Một trong những giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường ĐH được tiến sĩ Trần Nam Tú nêu ra là chính sách đãi ngộ.

Ông Tú nói: “Chúng ta nói rất nhiều về thu hút, về đãi ngộ. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi làm báo cáo về chính sách thu hút các chuyên gia là người VN ở nước ngoài, người nước ngoài tham gia giảng dạy nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo của VN, mới thấy gặp nhiều khó khăn. Khó khăn về làm visa, về xin phép lao động và vừa rồi các trường điện thoại trao đổi, người nước ngoài vào làm phải nộp Cục Việc làm Bộ LĐ-TB-XH xin giấy phép…”. Chính vì vậy, ông Tú nhận định: “Chúng ta làm chính sách đãi ngộ thu hút nhưng thêm rào cản như vậy thì các trường phải chạy đi chạy lại vất vả”.

Một trong những giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường ĐH là chính sách đãi ngộ

phạm hữu

GS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng có những ý kiến liên quan đến vấn đề nhân lực làm nghiên cứu. GS Thanh cho rằng căn cứ vào luật Khoa học công nghệ thì trường ĐH cũng được coi là cơ sở khoa học công nghệ nhưng hiện không được ứng xử như cơ sở khoa học công nghệ. Cụ thể, ông Thanh chỉ ra, cơ sở khoa học công nghệ được cấp kinh phí thường xuyên cho nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH tự chủ cũng được cấp nhưng lấy hoàn toàn từ học phí ra để trả. “Tuy nhiên, không trường ĐH nào muốn làm điều đó cả vì đặc điểm nghiên cứu khoa học hầu hết lợi ích đều cá nhân và các các cơ sở giáo dục được hưởng lợi rất ít từ các công trình nghiên cứu”, ông Thanh nói.

Từ đó, ông Thanh kiến nghị: “Cần thực sự ứng xử với các trường ĐH như một cơ sở khoa học công nghệ”. Hiện mỗi trường ĐH được cấp kinh phí thường xuyên cho nghiên cứu nhưng không được dùng để trả lương cho các nghiên cứu viên. Điều này dẫn đến tình trạng số lượng nghiên cứu viên ở các trường ngày càng teo tóp. “Một xu hướng là các nghiên cứu viên có trình độ tiến sĩ xin chuyển ngạch làm cán bộ giảng dạy để hưởng chế độ của cán bộ giảng dạy, khiến đội ngũ chuyên nghiệp làm nghiên cứu ngày càng yếu đi”, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục nhìn nhận.

Chia sẻ trong hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ nghị định quy định về các hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH. Hy vọng nghị định này khi được ban hành cùng với các văn bản luật giáo dục sửa đổi bổ sung khác, sẽ giúp cho các trường giải quyết được những vướng mắc liên quan đến ứng dụng chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Từ 2017 - 2021, có hơn 550 sản phẩm nghiên cứu được đưa vào ứng dụng

Tiến sĩ Trần Nam Tú, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GD-ĐT), cho biết trong giai đoạn 2017 - 2021, các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ có hơn 550 sản phẩm nghiên cứu các cấp được đưa vào ứng dụng, chuyển giao có hợp đồng; 75 sản phẩm nghiên cứu được cấp bằng sáng chế; 211 công trình đạt giải pháp hữu ích.

Số lượng công bố quốc tế giai đoạn này tăng nhanh khi có tới 10.795 bài báo nghiên cứu đăng thuộc danh mục WoS, 7.082 bài thuộc danh mục Scopus, 5.318 bài báo quốc tế khác. Đáng chú ý là có một tạp chí gia nhập hệ thống Scopus và 11 tạp chí gia nhập ACI và nhiều tạp chí khác đang tiến hành thủ tục đăng ký.

Kiểm tra, nhắc nhở các trường trong công bố quốc tế

Trong hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ đã kiểm tra, nhắc nhở các trường trong vấn đề công bố quốc tế. Ông Phúc nói: “Chúng tôi yêu cầu các trường trực thuộc Bộ phải làm thực chất từ năng lực đội ngũ nghiên cứu của nhà trường chứ không phải theo cách ký kết, nhờ vả lực lượng bên ngoài trường”. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta phải dựa trên thực lực của mình, từ chính đội ngũ nghiên cứu, giảng viên cơ hữu của mình để công bố quốc tế. Như vậy mới bền vững, lâu dài và mang lại lợi ích thiết thực trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo của nhà trường”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.