Khu vực xã Gio Việt và TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) được biết đến là “vựa cá khô” của cả tỉnh Quảng Trị. Chỉ riêng địa bàn xã Gio Việt đã có 35 cơ sở hấp sấy cá, 26 kho đông lạnh, hằng năm thu mua khoảng 15.000 tấn cá tươi, chủ yếu là cá nục, để hấp sấy.
Phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Và hệ lụy nhãn tiền là đang có gần 600 tấn cá nục đã hấp sấy của người dân Gio Việt bị tồn đọng. Theo ông Hải, trong số đó có 500 tấn đang “mắc kẹt” ở các kho đông lạnh tại địa phương; 100 tấn còn lại đã chuyển đến biên giới TQ nhưng đối tác không cho nhập hàng, trả về, có nguy cơ hư hỏng. “Nguyên nhân là phía TQ siết chính sách nhập khẩu, yêu cầu hàng phải đi theo đường chính ngạch, có tem nhãn, trích xuất nguồn gốc hải sản mà các thương lái cũng như các cơ sở hấp sấy cá ở địa phương đều không thể làm được do cách làm ăn manh mún, theo thói quen từ trước để lại”, ông Hải nói.
Tương tự, tại TT.Cửa Việt, chính quyền địa phương cho hay cũng đang có khoảng 400 tấn cá nục khô “mắc kẹt” tại các kho lạnh. Chính quyền xã Gio Việt và TT.Cửa Việt đã gửi tờ trình lên cấp trên đề nghị tìm hướng giải quyết.
|
Thiệt đơn thiệt kép
Việc “mắc kẹt” gần nghìn tấn hải sản khô đang khiến các làng nghề hấp sấy cá ven biển Quảng Trị lao đao. Ông Hoàng Minh Thảo, chủ một cơ sở hấp sấy cá ở xã Gio Việt, cho biết trước khi có “sự cố”, mỗi mùa trăng cơ sở của ông có thể sản xuất mặt hàng cá khô trị giá 300 - 400 triệu đồng. Sau khi nhập hàng, thương lái trả tiền ngay để tái sản xuất. Tuy nhiên, 3 tháng nay, ông Thảo chỉ sản xuất cầm chừng. “Cá thì người ta đánh vào đầy đó nhưng mình không dám mua, không dám hấp sấy. Vì làm ra biết bán cho ai, giá cả lại phập phù, trong khi lô hàng trước vẫn chưa được thanh toán, ứ đọng vốn. Mà lò sấy của tôi nghỉ thì hàng chục lao động cũng bị ảnh hưởng thu nhập. Trước họ làm 20 ngày/tháng thì nay chỉ làm phân nửa thời gian”, ông Thảo nói.
Phạm vi ảnh hưởng không chỉ có ngư dân, chủ các kho đông lạnh mà mở rộng cả các thương lái địa phương. Nhiều thương lái đang “ôm” hàng chục đến hàng trăm tấn cá khô trong kho lạnh mà không biết làm thế nào để “đẩy” hàng đi. “Không bán cá khô được, nhưng hằng tháng riêng tiền điện tôi đã phải trả chừng 35 - 40 triệu đồng”, ông Nguyễn Khôi, một thương lái có 4 kho lạnh đang đầy ắp cá khô ở Gio Việt, ngao ngán. Chưa kể, cá khô trữ lâu trong kho lạnh sẽ ngả màu, chất lượng đi xuống và giá bán cũng rớt theo. Cá khô “tắc”, cá tươi cũng không “dễ thở”. Ngư dân sẽ lại gặp khó dây chuyền khi giá cá nục tươi đã giảm xuống còn 7.000 đồng/kg (so với 15.000 đồng/kg trước đây).
Diễn biến bất lợi này đang “gợi ý” cho các hộ kinh doanh ở vùng biển Quảng Trị phải nghĩ lớn, làm lớn, xây dựng thương hiệu, liên kết làm tổ hợp tác hoặc thành lập công ty TNHH để các cơ quan nhà nước chứng nhận đủ vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu hàng thô. “Về lâu dài, còn phải tìm nhiều đầu ra chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường TQ”, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Gio Việt, nêu ý tưởng.
Nếu cần thì chủ tịch tỉnh cũng kêu gọi bán cá giúp !
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị khóa 7 nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa diễn ra hôm 19.7, liên quan đến tình hình “ách tắc” đầu ra của cá khô, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng cơ quan chức năng địa phương nên nhận một phần lỗi vì đã không sớm hướng dẫn người dân làm thủ tục về xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm. Ông Chính yêu cầu UBND H.Gio Linh, Sở NN-PTNT, Sở KH-CN cần phối hợp hướng dẫn cho ngư dân các thủ tục liên quan. Riêng với lượng cá khô đang tồn đọng, nếu cần thì Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Gio Linh cũng đi kêu gọi, giới thiệu, quảng bá để... bán cá.
|
Bình luận (0)