Ngang nhiên phá rừng: Hành trình đưa gỗ về xuôi

05/02/2015 10:55 GMT+7

Lợi dụng địa hình hiểm trở và sự lơ là của lực lượng kiểm lâm, lâm tặc đã ồ ạt vào phân chia lãnh địa 'xẻ thịt' hàng loạt rừng đầu nguồn ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), sau đó vận chuyển về xuôi.

Lợi dụng địa hình hiểm trở và sự lơ là của lực lượng kiểm lâm, lâm tặc đã ồ ạt vào phân chia lãnh địa “xẻ thịt” hàng loạt rừng đầu nguồn ở H.Đại Lộc (Quảng Nam), sau đó vận chuyển về xuôi.

Ngang nhiên phá rừng: Hành trình đưa gỗ về xuôiMột cây gỗ quý bị đốn hạ và lâm tặc dùng thuyền vận chuyển gỗ lậu về xuôi - Ảnh: N.N
Sau một đêm ngủ tại khu vực ngã ba Khe Hoa, chúng tôi bắt đầu xâm nhập điểm “nóng” về nạn lâm tặc hoành hành tại các rừng thuộc xã Đại Sơn (H.Đại Lộc). Vượt quãng đường hơn 15km băng qua hàng chục quả đồi trồng dứa dựng đứng như C1, D7 và đánh vật với con đường đầy hiểm trở, cuối cùng chúng tôi cũng đến được rừng đầu nguồn cạnh Khe Cạn. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi giật mình vì quy mô phá rừng ở đây: dọc đường lên núi lâm tặc đã phá đi hàng ngàn hét ta rừng, sau đó họ phát quang trồng dứa, dựng lán trại, mở hẳn con đường để đưa xe ô tô vào tận nơi vận chuyển gỗ và dứa. Anh N.D, người dẫn đường cho biết: “Ở đây rất nhiều lâm tặc ngang nhiên lập trại. Chúng ngụy trang bằng việc lập lán trồng dứa để vào rừng khai thác gỗ. Ngoài việc lấy nơi ăn nghỉ thì nơi đây còn là điểm trung chuyển và mua bán gỗ lậu được đưa từ trong rừng ra”.
Tiến sâu hơn theo những rãnh nước sâu hơn cả mét do lâm tặc dùng trâu kéo gỗ tạo nên, lần lượt nhiều điểm khai thác gỗ hiện ra trước mắt. Rất nhiều thanh gỗ giẻ, dổi, gội và gõ đường kính lớn bị lâm tặc tàn sát, cắt xẻ vuông vắn vứt la liệt khắp nơi. Đi tới một đoạn hơn 100m bắt gặp một ngã tư với rất nhiều lối mòn được mở để vận chuyển gỗ. Đi dọc theo các con đường mòn có rất nhiều cây gỗ được đánh dấu bằng sơn đỏ. Và rất nhiều cây cọc nhỏ được cắm hai bên đường. Anh N.D giải thích rừng ở đây đã được các nhóm lâm tặc phân chia lãnh địa khai thác. Những cây đó giống như ranh giới để báo hiệu cho các nhóm khác không xâm phạm và khai thác chồng lấn. Còn cây cọc nhỏ là vì ở đây có rất nhiều xai (tiếng lóng chỉ dốc đứng-PV) lâm tặc dùng cây nhỏ cắm quanh đường để chuyển gỗ khỏi rơi xuống xai. Sau nhiều giờ đột nhập vào căn cứ địa của lâm tặc, trên đường quay ra chúng tôi bắt gặp một nhóm lâm tặc ngang nhiên dùng trâu kéo gỗ ở rừng ra địa điểm tập kết. Ba con trâu kéo 3 khúc gỗ giẻ trắng chặn hết lối đi. Gặp chúng tôi, một người trong nhóm mặt mũi lầm lỳ, hậm hực, ánh mắt đầy soi mói hỏi chúng tôi: “Bọn mày làm gì trong này?”. Hỏi xong nhóm lâm tặc này làu bàu rồi phết mạnh một roi vào mông con trâu để nó tấp vào vũng nước bên đường.
Ở đây địa hình đồi dốc nên lâm tặc dùng trâu kéo những phách gỗ ra ngoài khu vực trồng dứa, sau đó tập kết lên xe ô tô để chở về. Nếu ít, sẽ cho trâu kéo đi dọc theo khe nước ra đến ngã ba cầu Khe Hoa bán lại cho các đầu nậu.Để kéo được một khúc gỗ ra đến QL14, họ phải đi từ lúc 3 giờ sáng đến 17 giờ chiều mới tới nơi. Sau khi gỗ được tuồn khỏi rừng xuống điểm tập kết ngay ngã ba xã Đại Sơn, các đầu nậu trực sẵn để cất hàng lên xe ô tô. Sau đó, gỗ lậu sẽ “chạy” qua 2 con đường: Một chuyển xuống sông Vu Gia kết bè đổ về cầu Câu Lâu (xã Điện Phương, H.Điện Bàn); Hai là dùng ô tô chuyển xuống Đà Nẵng qua cửa Trạm kiểm soát lâm sản (thuộc Hạt Kiểm lâm Đại Lộc ) và Đội Kiểm lâm cơ động số 2 (Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam) đóng tại xã Đại Hồng cách đó khoảng 500m hoạt động 24/24. Nhưng có một điều hết sức khó hiểu là 1 trong số 2 con đường đưa gỗ lậu về xuôi đều phải qua các trạm kiểm soát lâm sản. Vậy mà, gỗ lậu vẫn dễ dàng “chui” qua trót lọt...
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.