TP.HCM không có dự án bán lẻ mới từ nay đến cuối năm
Trong quý 2/2020, chỉ có dự án Vincom Megamall Thảo Điền (Q.2) mở rộng một phần diện tích hơn 3.000 m2 vốn được dùng làm văn phòng trước đây. Tổng diện tích bán lẻ khu vực TP.HCM không thay đổi nhiều so với giai đoạn cuối năm 2019, ước đạt hơn 1 triệu m2 diện tích thực thuê.
|
Tình hình kinh doanh của ngành bán lẻ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã bắt đầu có những hồi phục tuy nhiên chưa thật sự khởi sắc. Theo thống kê của Google Mobility Index dựa trên định vị, số lượng người đến các trung tâm thương mại và mua sắm đã hồi phục 80% so với giai đoạn tháng 1.2020, vốn là tháng mua sắm sầm uất để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo thống kê của TP.HCM, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm vẫn giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó dịch vụ lữ hành giảm mạnh nhất, đến 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín hiệu tích cực đến từ doanh thu hàng hóa, tăng 10% so với cùng kỳ. Theo thống kê từ CBRE tại một số chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, doanh thu trong tháng 6 đã hồi phục 40 - 70% so với giai đoạn trước dịch, tuy nhiên mức độ hồi phục khác nhau cho các vị trí.
Tại các trung tâm thương mại, giá chào thuê quý 2/2020 không thay đổi so với quý trước nhưng so với cùng kỳ năm trước, giá chào thuê trung bình tầng trệt và tầng một của khu trung tâm thành phố tăng 3,8% và khu ngoài trung tâm giảm 0,9%. CBRE cũng ghi nhận tình hình trả mặt bằng tại các khối đế bán lẻ của chung cư diễn ra nhiều hơn so với trung tâm thương mại, đặc biệt là các nhóm ngành hàng về ăn uống và thời trang trong nước. Các nhóm khác như siêu thị, sức khỏe, cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động bình thường.
Trong quý 2, Uniqlo mở rộng thêm 2 cửa hàng tại TP.HCM và trong quý 3, thành phố sẽ chào đón thêm MUJI, một thương hiệu mới từ Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là những giao dịch từ năm 2019. Ngoài ra, số lượng các thương hiệu mới vào Việt Nam giảm hẳn so với 4 năm trước đây.
Các dự án tương lai đều trì hoãn ngày khai trương để chờ sự hồi phục từ nhu cầu thuê mặt bằng cũng như tuyến Metro Số 1, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm tới. Dự đoán từ nay đến hết năm 2020, sẽ không có thêm dự án mới ra đời, ngoài một dự án bán lẻ tại khu trung tâm thành phố có thể sẽ tái khai trương sau hơn 2 năm trùng tu.
Xu hướng thu hẹp mặt bằng
Thị trường văn phòng TP.HCM trong quý 2/2020 vẫn duy trì tổng diện tích cho thuê ở mức gần 1,4 triệu m2. Các toà nhà hạng A chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 nên giá thuê giảm (trung bình 4,9%) và tỷ lệ trống tăng, đạt 11,8%.
|
Hiện nay, các khách thuê đang có xu hướng thu hẹp mặt bằng ở tòa nhà hiện tại để chuyển sang các tòa nhà phân khúc thấp hơn, ở vị trí rìa trung tâm hoặc ngoại vi thành phố nhằm tiết kiệm chi phí. Do đó, phân khúc hạng B vẫn ghi nhận tình hình hoạt động ở mức ổn định.
Trong quý 2/2020, phần lớn yêu cầu mà CBRE nhận được là di dời văn phòng (chiếm đến 72% tổng số yêu cầu thuê từ khách hàng), trong đó có một số khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A xuống phân khúc hạng B hoặc từ hạng B sang hạng B có chi phí thuê thấp hơn. Ngoài ra, các hoạt động mở rộng văn phòng (20%) vẫn diễn ra đối với một số ngành không bị ảnh hưởng quá nhiều do dịch như bảo hiểm, sức khỏe/y tế và bán lẻ/thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các ngành tài chính/ngân hàng, và tài chính công nghệ bắt đầu có động thái thu hẹp diện tích (2%) do những công ty này muốn tái cấu trúc văn phòng làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau nhằm tiết kiệm chi phí.
Thị trường văn phòng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cũng sẽ bị ảnh hưởng từ những công ty nước ngoài. Dự kiến vào cuối năm 2020, giá thuê của hai hạng sẽ tiếp tục giảm từ 8 - 10% (mức giảm của các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ 8 - 15%). Nguồn cung văn phòng mới vẫn được xây dựng và dự kiến khai trương vào cuối năm nay với hơn 70.000 m2 diện tích, chủ yếu ở khu vực phía đông (Q.Bình Thạnh) và phía nam (Q.7).
Bình luận (0)