Mất sức cạnh tranh
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, 9 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 2.735 tấn thịt heo các loại và 52.586 tấn thịt gà (trong đó 6.147 tấn gà thải từ Hàn Quốc), chưa kể nguồn gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc ước tính hàng chục ngàn tấn. Ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Qua khảo sát nhiều hộ chăn nuôi đều bị lỗ, trong đó có thời điểm giá gà bán tại trại chỉ còn 14.000 - 18.000 đồng/kg (hiện giá đang duy trì ở mức 20.500 đồng/kg), trong khi giá thành chăn nuôi lên đến 30.000 đồng/kg, tức lỗ gần 10.000 đồng/kg. Thêm vào đó, trang trại, đất đai, nhà cửa đã thế chấp hết cho ngân hàng, do đó, nhiều trại gà không còn cách nào khác là phải bỏ chuồng”. Cũng theo hiệp hội chăn nuôi, giá gà trong nước lên đến 30.000 đồng/kg, trong khi đó giá nhập khẩu cánh gà, đùi gà chỉ 20.000 đồng/kg đang có nguy cơ “bóp” chết ngành chăn nuôi nội địa.
|
|
Ông Lê Văn Mẽ- Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai) cho biết: “Nếu cho nhập khẩu thịt gà như hiện nay thì người chăn nuôi sẽ phá sản”. Còn ông Nguyễn Văn Ngọc- Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Bình Phước đặt vấn đề: “Vì sao với chi phí cũng ngang với giá thành đầu tư của của người chăn nuôi trong nước, nhưng giá thành thịt nhập khẩu lại rẻ hơn. Cụ thể giá thịt gà nhập khẩu chỉ bằng nửa giá thành đối với các trang trại nuôi trong nước thì đối với người chăn nuôi chưa đủ cho chi phí tiền mua thức ăn”. Ông Ngọc lo ngại với tình hình này thì trang trại hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ của người chăn nuôi chỉ có thể bán ve chai.
Siết chặt thịt “ngoại”
Ông Huỳnh Thành Vinh- Phó chủ tịch UBND H. Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, từ đầu năm đến nay số heo hơi xuất tỉnh khoảng 500.000 con, 200.000 tấn thịt gà… Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, vì chi phí thức ăn tăng 7 lần, nên người dân rất khó duy trì đàn, mở rộng sản xuất. Thống kê, từ tháng 5 đến nay, ngành chăn nuôi H. Thống Nhất thiệt hại khoảng 333 tỉ đồng. Do đó, ông Vinh kiến nghị: “Ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ thủ tục, ưu đãi lãi cho hộ chăn nuôi; Bộ Công thương cần cân nhắc kỹ trước khi có chính sách nhập khẩu thịt sao cho phù hợp; Bộ NN-PTNT không nên nhập khẩu thịt heo, các cơ quan chức năng cần hạn chế nhập phụ phẩm như chân, cánh gà, móng heo để “cứu” ngành chăn nuôi…”
|
Trước những phản ánh của ngành chăn nuôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Hoàng Kim Giao chia sẻ: “Năm 2012, ngành chăn nuôi chồng chất khó khăn, trước hết dịch bệnh tuy không lớn nhưng rải rác trên diện tích rộng (trên 30 tỉnh thành); nhiều nước sức tiêu dùng giảm kinh khủng, giá cả thực phẩm chăn nuôi sản xuất ra đều thấp. Tuy nhiên, khả năng từ nay đến tết chắc chắn sẽ tăng lên”. Ngoài ra, ông Giao khẳng định cơ quan chức năng không có chủ trương cấp quo-ta nhập khẩu thực phẩm. Tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn nhập được vì họ thấy có lời. Do đó sắp tới sẽ chú ý xem xét lại các tiêu chuẩn, chất lượng, lưu ý vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập và có giải pháp đưa ra rào cản để thực phẩm kém chất lượng không vào Việt Nam.
|
Kim Cương
>> Khẩn cấp tìm giải pháp cứu ngành chăn nuôi
>> Ngành chăn nuôi kêu cứu
>> Bất cập vùng chăn nuôi tập trung
>> Phòng chống dịch trong chăn nuôi
>> Người chăn nuôi lỗ, bán thức ăn lời
>> Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung
>> Hà Việt Hùng với mô hình chăn nuôi trang trại: Làm giàu cho mình và cho cộng đồng
Bình luận (0)