Ngành chip bán dẫn Trung Quốc giữa cuộc sàng lọc khắc nghiệt

05/09/2024 06:26 GMT+7

Sau một thời gian hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây về ngành bán dẫn, các doanh nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi khó khăn, nhưng không phải doanh nghiệp nào của nước này cũng đủ sức tồn tại.

Từ nỗ lực rút ngắn khoảng cách

Tờ Nikkei Asia mới đây dẫn phân tích của Công ty TechanaLye (Nhật Bản), chuyên nghiên cứu về bán dẫn, đánh giá công nghệ bán dẫn hiện tại của Trung Quốc đại lục đang rút ngắn khoảng cách về chip tiên tiến so với các nhà sản xuất mạnh nhất thế giới. Hằng năm, TechanaLye tháo rời khoảng 100 thiết bị điện tử để nghiên cứu.

Ngành chip bán dẫn Trung Quốc giữa cuộc sàng lọc khắc nghiệt- Ảnh 1.

SMIC được đánh giá có nhiều bước tiến trong ngành bán dẫn

ẢNH: REUTERS

Mới đây, công ty này so sánh sơ đồ mạch bán dẫn của 2 bộ xử lý dành cho điện thoại di động thông minh (smartphone) gồm bộ xử lý Kirin 9010 của dòng smartphone Huawei Pura 70 Pro ra mắt hồi tháng 4 và bộ xử lý Kirin 9000 trên smartphone của Huawei ra mắt năm 2021. Cùng được thiết kế bởi HiSilicon - công ty con của Huawei, nhưng Kirin 9010 do SMIC (Trung Quốc đại lục) sản xuất, còn Kirin 9000 do TSMC (Đài Loan) sản xuất. Nhiều năm qua, TSMC vẫn đứng đầu thế giới về sản xuất chip tiên tiến.

Vài năm qua, SMIC đối mặt nhiều rào cản từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc tiếp cận công nghệ chip bán dẫn tiên tiến. Tuy nhiên, theo so sánh trên, chip của SMIC đã đạt tiến trình 7 nm có hiệu suất gần ngang ngửa với chip tiến trình 5 nm mà TSMC sản xuất từ năm 2021. Về cơ bản, chip có tiến trình càng nhỏ thì hiệu suất càng cao. Qua đó, TechanaLye đánh giá ngành chip Trung Quốc đại lục dù chịu nhiều khó khăn, những vẫn có bước tiến đáng kể và sắp đạt mức rút ngắn khoảng cách tụt hậu chỉ còn 3 năm so với TSMC.

Bên cạnh đó, dòng smartphone Pura 70 Pro được trang bị tổng cộng 37 linh kiện bán dẫn hỗ trợ bộ nhớ, cảm biến, camera, nguồn điện và chức năng hiển thị. Trong số này, 14 linh kiện đến từ HiSilicon, 18 linh kiện từ các nhà sản xuất khác của Trung Quốc và chỉ 5 linh kiện do nước ngoài cung cấp.

Đến bị đào thải

Trong khi đó, một báo cáo mới đây được công bố bởi Quỹ nghiên cứu đổi mới và công nghệ thông tin (ITIF), có trụ sở tại Mỹ, đánh giá ngành bán dẫn Trung Quốc vẫn chậm hơn 5 năm về chip tiên tiến so với các đối thủ. Báo cáo này chỉ ra TSMC đã giới thiệu chip tiến trình 3 nm từ năm 2022. Và thực tế, thì từ cuối năm 2021, Qualcomm của Mỹ cũng đã giới thiệu chip tiến trình 4 nm.

Trong báo cáo trên, Phó chủ tịch ITIF Stephen Ezell đánh giá: "Trung Quốc đang đầu tư hàng trăm tỉ USD để trở thành quốc gia dẫn đầu về chất bán dẫn, nên nước này đang đạt được một số bước tiến ấn tượng, nhưng đến nay thì sự tiến bộ vẫn còn hạn chế ở một số khía cạnh nhất định trong phát triển và sản xuất chip". Các công ty chip Trung Quốc không chỉ được hưởng lợi từ trợ cấp của nhà nước mà còn được giảm thuế hoặc miễn thuế đối với thiết bị và vật liệu.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các công ty chip của Trung Quốc đủ khả năng vượt qua khó khăn hiện tại. Cuối tháng 8, công ty khởi nghiệp Xiangdixian (trụ sở tại Trùng Khánh, Trung Quốc) đã tuyên bố giải thể vì thiếu nguồn lực tài chính. Giải thích thêm, Xiangdixian cho biết phải đối mặt với "áp lực điều chỉnh thị trường" khi sự phát triển của GPU (bộ xử lý đồ họa) trong nước đã không đáp ứng được kỳ vọng. Cách đây 2 năm, Xiangdixian đã tung ra GPU mang tên Tianjun No 1 có tiến trình 12 nm kèm theo lời tuyên bố "đã đạt đến trình độ tiên tiến quốc tế" và sẽ "lấp đầy khoảng trống ở thị trường nội địa một cách hiệu quả".

Tờ South China Morning Post nhận xét tình cảnh của Xiangdixian là sự cảnh báo đối với ngành bán dẫn của Trung Quốc, vốn mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây khi nước này đẩy nhanh chiến lược tự lực công nghệ giữa bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng.

Hồi tháng 7, công ty chip thành công một thời là Beijing Zuojiang Technology đã bị hủy niêm yết khỏi Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến sau khi Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc điều tra công ty này về tội gian lận tài chính. Trước đó, vào tháng 6, Woodson - một công ty khởi nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Thượng Hải được thành lập vào năm 2019 với số vốn đăng ký 10 tỉ nhân dân tệ (hơn 1,4 tỉ USD) đã bị thanh lý.

Intel và viện nghiên cứu Nhật Bản thành lập trung tâm chip

Nhà sản xuất chip Intel của Mỹ và Viện Khoa học và công nghệ công nghiệp tiên tiến quốc gia Nhật Bản (AIST) sẽ xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Nhật Bản về công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.

Theo tờ Nikkei Asia, trung tâm trên sẽ được xây dựng trong vòng 3 - 5 năm, được trang bị thiết bị in thạch bản cực tím (EUV). Đây sẽ là trung tâm đầu tiên ở Nhật Bản mà các thành viên trong ngành có thể cùng sử dụng thiết bị EUV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.