Nở rộ vùng nuôi công nghiệp
Những năm 2009 - 2013, phong trào nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp tại ĐBSCL đã phát triển mạnh ở một số tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Thời điểm đó, đa số hộ nuôi phải sử dụng điện sinh hoạt phục vụ nuôi tôm, dẫn đến tình trạng lưới điện quá tải, chất lượng điện áp không đảm bảo. Tuy nhiên, trước lợi nhuận cao của con tôm, người dân các tỉnh ven biển ĐBSCL vẫn đổ xô mở rộng diện tích nuôi. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Đôn Châu (H.Duyên Hải, Trà Vinh), cho biết năm 2013, Trà Vinh đã quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp nhưng tình trạng nuôi tôm ngoài quy hoạch vẫn tăng cao, dẫn đến quá tải nguồn điện, phát sinh nhiều vấn đề về môi trường. Đến nay, Đôn Châu có hơn 300 hộ nuôi tôm (chiếm gần 1/10 số hộ dân trong xã), với khoảng 500 ha diện tích mặt nước, nhưng chỉ có khoảng 300 ha trong vùng quy hoạch, còn lại là tự phát.
Tương tự, tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm công nghiệp cũng tăng hàng ngàn héc ta mỗi năm, trong đó có rất nhiều diện tích ngoài vùng quy hoạch, người dân phải tự câu điện sinh hoạt để nuôi tôm. Một trong những nơi phát triển nóng nhất là Sóc Trăng. Năm 2010 tỉnh này chỉ có 25.600 ha nuôi tôm thì năm 2016 đã tăng lên gần 48.000 ha. Diện tích nuôi tôm phát triển nhanh đã đẩy nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, tạo áp lực lớn cho ngành điện.
Đầu tư dài hơi
Trước khó khăn trong việc bảo đảm cung cấp điện ổn định cho vùng nuôi tôm của người dân ĐBSCL, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã triển khai thực hiện nhiều dự án lưới điện phân phối, phục vụ nuôi tôm công nghiệp trong vùng (thuộc Dự án hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3). Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển phụ tải, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Huỳnh Khánh Lượng (ngụ xã Trung Bình, H.Trần Ðề, Sóc Trăng) cho biết nhà ông có 30 ao nuôi tôm, với diện tích gần 12 ha. Trước đây do không đủ điện, ông chỉ thả nuôi luân phiên các ao. Từ khi dự án điện đưa vào sử dụng, công suất trạm biến áp nâng lên, ông đã thả nuôi hết diện tích. Nhờ đó, doanh thu mỗi năm tăng hàng tỉ đồng. Không chỉ mở rộng diện tích, người nuôi tôm còn tiết kiệm được nhiều chi phí khi nguồn điện thay cho máy sục khí chạy dầu. Ông Nguyễn Văn Đào (xã Đôn Châu) có 4 ao tôm, tổng diện tích 1,1 ha cho biết: “Mỗi ngày tôi phải chạy máy sục khí liên tục 18 tiếng, nếu sử dụng máy diesel, mỗi tháng hết 4 triệu đồng tiền dầu, trong khi chi phí tiền điện chạy mô tơ chỉ khoảng 1 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó tổng giám đốc EVN SPC, để có kết quả thuận lợi cho người dân, hằng năm EVN SPC đã phải bố trí nguồn vốn đầu tư rất lớn qua các công ty điện lực địa phương, nhằm kịp thời giải quyết yêu cầu phụ tải. Điển hình tại Cà Mau, năm 2015, ngành điện đã dành hơn 17 tỉ đồng cải tạo, nâng cấp, phát triển lưới điện vùng nuôi ở các huyện: Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Trần Văn Thời. Còn tại Trà Vinh, nguồn vốn đầu tư phát triển lưới điện vùng nuôi tôm năm 2014, 2015 gần 39 tỉ đồng.
Cũng theo ông Đức, về lâu dài, EVN SPC đã xây dựng đề án “Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”, với mức đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng. “Dự án này thực hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản của người dân mà sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, ngành nghề ở nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm ở các địa phương ĐBSCL”, ông Đức nói.
Bình luận (0)