Ngành du lịch Việt Nam chẳng giống ai

10/04/2015 13:13 GMT+7

Hình như ở Việt Nam, mọi chuyện đều khác thiên hạ, từ việc nhỏ đến việc lớn. Mà khác nhất có lẽ là ngành du lịch.

Hình như ở Việt Nam, mọi chuyện đều khác thiên hạ, từ việc nhỏ đến việc lớn. Mà khác nhất có lẽ là ngành du lịch. 

Làm du lịch kiểu... Việt Nam Du khách quốc tế thường ít quay lại Việt Nam do cách làm du lịch của ta còn nhiều yếu kém - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tổ chức bộ máy ngành du lịch các nước đều theo hàng dọc, rạch ròi chế độ thủ trưởng, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý. Việt Nam thì khác hẳn, bộ máy tổ chức chồng chéo như hình ngôi sao; vừa dọc (ngành), vừa ngang (chính quyền), vừa trên (cấp ủy)... Do tổ chức bộ máy không giống ai nên việc quản lý tài nguyên du lịch cũng “năm cha bảy mẹ”. Từ nhà nước T.Ư đến từng địa phương, từ các đoàn thể cho đến từng ngành, từ các doanh nghiệp cho đến từng cá nhân đều có thể chủ sở hữu các điểm tham quan, các dịch vụ. Do vậy, việc định giá rất tùy tiện, chẳng có chuẩn mực nào. Tổng cục Du lịch, các hiệp hội ngành và cả các công ty lữ hành đều không thể được tham vấn, chứ đừng nói là can thiệp.
Đáng buồn hơn là giá cứ đều đều tăng chứ chưa bao giờ chịu xuống mà dịch vụ không hề được cải thiện, kể cả dịch vụ tối thiểu nhất là nhà vệ sinh. Tăng không thèm báo trước, có khi tăng trước, thông báo sau. Trong khi khách mua tour, thường đặt chỗ trước mấy tháng đến nửa năm; khách nước ngoài có thể cả năm. Khách nội còn có thể “ca bài ca con cá”, năn nỉ ỉ ôi thông cảm; còn khách ngoại thì vô phương, không nói lại được nửa lời. Việc tăng giá là chuyện nội bộ của các anh, tự giải quyết, hợp đồng đã ký, cứ thế mà thực hiện.
Mà nào chỉ có giá vé tham quan. Giá vận chuyển, nhất là máy bay và xe lửa, rồi giá các khách sạn cũng thích “nhảy disco” với đủ lý do của những kẻ độc quyền. Chỉ khổ các công ty lữ hành. Làm thì lỗ nặng, cạn kiệt vốn. Không làm thì bị kiện, phá sản như chơi.
Cách bán vé cũng lạ lùng không kém. Trên thế giới, chẳng nước nào bán vé tham quan cả thành phố như Hội An. Họ chỉ bán vé khi đó là khu vực bảo tồn, dùng để tham quan, không có dân cư. Hoặc bán vé khi khách vào tham quan từng điểm cụ thể, chứ không bán vé khi khách chỉ dạo chơi trong phố.
Tại Quảng Ninh chỉ riêng vé tham quan quan vịnh Hạ Long đã có 5 điểm, mỗi điểm có 3 loại là người lớn, trẻ em và người già; vị chi là 15 loại. Các điểm tham quan và dịch vụ cứ “thập diện mai phục”, rình cơ hội tăng giá, địa phương xem đó là nguồn thu chính, thay cho việc tái đầu tư, mở rộng các loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng để kéo khách đến và giữ khách lâu hơn. Làm du lịch mà tư duy theo kiểu “thằng Bờm”, cứ chực chờ ăn xổi thì không thể tính chuyện bền vững được.
Chẳng cần đâu xa, nhìn sang “hàng xóm” là thấy khác biệt một trời một vực. Các điểm tham quan muốn điều chỉnh hoặc tăng giá vé đều phải được ngành du lịch đồng thuận. Cứ mỗi lần trở lại là thấy thêm dịch vụ mới cho khách lựa chọn. Tôi làm du lịch gần 20 năm nay, gần như chưa thấy thiên hạ tăng giá điểm tham quan. Luật pháp các nước qui định chặt chẽ nên có muốn cũng không thể và không dám tùy tiện tăng giá.
Quần thể Angkor (Siem Reap, Campuchia) rộng 420 km2 với hàng trăm đền thờ lớn nhỏ, chỉ bán duy nhất 1 vé tham quan theo ngày, mỗi ngày 20 USD, chụp hình khách bằng webcam rất nhanh và lịch sự, khỏi sợ khách ăn gian. Nếu đi 3 ngày thì khuyến mãi 1 ngày, đi cả tuần thì khuyến mãi 3 ngày. Các tỉnh như Kampong Cham, Svay Rieng, Pray Veng cũng chỉ bán 1 vé tham quan chung cho các điểm trong cả tỉnh.
Trung Quốc càng chặt chẽ. Nếu khách sạn được xếp từ 1 - 5 sao thì các điểm tham quan cũng được xếp hạng. Cao nhất là di sản thế giới. Bên dưới lần lượt là danh thắng quốc gia, vùng, tỉnh, thành phố thuộc tỉnh. Trong mỗi loại, tùy theo chất lượng, vị trí và qui mô lại chia thành loại A, B, C. Mỗi hạng và từng loại, đều có khung giá giới hạn để các cơ sở tùy nghi vận dụng, không được vượt khung và qui định cả việc tăng giá mùa cao điểm. Việc tính giá tour sẽ rất dễ dàng và khách hàng cứ vào mạng là nắm giá minh bạch, từ điểm tham quan đến các dịch vụ lưu trú, vận chuyển…
Để chống các công ty ma, trốn thuế; luật Du lịch Trung Quốc quy định, tất cả các công ty lữ hành phải mua dịch vụ qua mạng. Mỗi mã số thuế được cấp một password để vào mạng mua dịch vụ với giá ưu đãi. Các công ty ma, hoặc khách tự mua, giá sẽ gần gấp đôi. Cách làm đơn giản này vừa chống thất thu thuế hiệu quả, vừa thẳng tay loại bỏ các công ty ma vì không thể cạnh tranh do phải mua giá cao hơn.
Luật Du lịch Trung Quốc cũng quy định, các công ty lữ hành đi đến tỉnh nào phải kết hợp với tỉnh đó để phục vụ khách chu đáo, không tự mình tổ chức tour trực tiếp. Cũng chẳng nước nào khuyến khích du lịch balo vì vừa khó quản lý, vừa khó thu thuế. Nước nào cũng có danh sách đen, buộc công dân một số nước nghèo hơn hoặc an ninh xã hội kém hơn nhập cảnh vào nước mình phải có những điều kiện nghiêm nhặt.
Thật oái oăm, hễ việc gì thiên hạ chặt thì ta lỏng, còn thứ gì thiên hạ lỏng thì ta chặt.
Phải chăng những vấn nạn trên là một trong nhiều nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam dù nỗ lực tăng trưởng tối đa, vẫn như chim cánh cụt, bất lực nhìn đại bàng các nước vỗ cánh bay xa. Nếu chúng ta không muốn và không chịu thay đổi tư duy, từ quản lý đến thực hiện thì nguy cơ du lịch Việt Nam tụt hậu là nhãn tiền. Ngay cả trong ngành mà còn thiếu phối hợp, cứ “mạnh ai nấy làm” thì đừng mong các ngành khác hỗ trợ.
Để du lịch Việt Nam cất cánh, chỉ cần tập trung 2 điểm nóng: Một là lập lại trật tự, kỷ cương trong giá vé các dịch vụ. Hai là xóa sổ các vấn nạn xã hội hiện hành. Cả hai đều có chung nguyên nhân của mọi nguyên nhân là con người. Khó, rất khó nhưng không phải không thể thực hiện, nếu đồng lòng và quyết tâm.
Thiên hạ đã làm được và làm tốt. Việt Nam, tại sao không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.