Ngành lương cao, học ra có việc làm ngay, sao lại bỏ qua ?

30/03/2022 06:10 GMT+7

Nhiều thí sinh đắn đo khi tìm một ngành ra trường có thể xin được việc làm ngay và có mức lương cao. Theo các chuyên gia, có một nhóm ngành hiện nay đáp ứng được những tiêu chí này nhưng thí sinh lại thường bỏ qua.

Trong chương trình tư vấn trực tuyến chiều 29.3 với chủ đề “Chọn ngành học cho tương lai: Những thế mạnh từ khối ngành kỹ thuật và công nghiệp”, những điều thí sinh (TS) chưa biết rõ về khối ngành này đã được các chuyên gia chia sẻ rất cụ thể và ấn tượng, đặc biệt về những cơ hội rất lớn cho TS khi chọn theo học khối ngành này. Chương trình được phát tại các địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage Facebook, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Thiếu hụt nhân lực trầm trọng

Mở đầu chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin trong 2 năm gần đây nhu cầu nhân lực của khối ngành kỹ thuật và công nghiệp rất cao, nhưng số lượng TS đăng ký vào nhóm ngành này thấp hơn so với tổng chỉ tiêu, không những thế tỷ lệ nhập học cũng thấp hơn so với số lượng trúng tuyển. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn nhân lực ở khối ngành này. Trong khi có một nghịch lý là hiện nay tại các trường, doanh nghiệp (DN) đến tuyển dụng khối ngành này rất nhiều, như ở các vị trí kỹ sư xây dựng, kỹ sư cầu đường, cơ khí ô tô và điện - điện tử…

Các chuyên gia cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý về khối ngành kỹ thuật trong buổi tư vấn trực tuyến chiều 29.3

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, còn cho biết vì áp lực của ngành học này nặng, thời lượng và công sức cũng nhiều hơn so với một vài ngành khác, cũng như đòi hỏi độ chính xác rất cao nên dẫn đến tâm lý e ngại cho TS khi lựa chọn, thậm chí những bạn đang học cũng xin chuyển qua ngành khác, dẫn đến khối ngành này thiếu hụt nguồn nhân lực.

“Nếu các em tốt nghiệp khối ngành này được trang bị kiến thức chuyên ngành vững và có thêm một vài kỹ năng thì DN sẽ luôn chào đón, cơ hội việc làm là không thiếu. Lương cơ bản của một sinh viên tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật và công nghiệp luôn cao hơn khối ngành khoa học xã hội hành vi và kinh tế”, tiến sĩ Hải thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thì lưu ý TS, với định hướng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, lực lượng trực tiếp tham gia quá trình này là các kỹ sư trẻ, nên cơ hội việc làm của khối ngành này là rất cao.

Học kỹ thuật không sợ thất nghiệp, nếu…

“Học điện - điện tử có mất việc thời 4.0?” là câu hỏi của một học sinh gửi tới chương trình. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết cơ hội nghề nghiệp của ngành điện - điện tử rất lớn. Đó là làm trong các công ty điện lực, các nhà máy điện, kỹ sư bảo trì bảo dưỡng hệ thống điện trong các tòa nhà… Ngoài ra là sản xuất thiết bị điện, làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Chúng ta cũng có mảng kinh doanh các sản phẩm điện - điện tử… Cuộc cách mạng 4.0 chỉ hỗ trợ công việc được tốt hơn, chứ không lấy đi việc làm của các vị trí kể trên.

Có gì đặc biệt trong đào tạo ?

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết định hướng đào tạo của nhà trường là đẩy mạnh ứng dụng thực tiễn, đầu tư hệ thống thực hành. Những ngành công nghệ được đào tạo ngay trong khu công nghệ cao TP.HCM, để sinh viên được kết nối với DN, có trải nghiệm nghề nghiệp thực tế.

Còn tiến sĩ Trần Thiện Lưu cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành định hướng đào tạo theo hướng ứng dụng nên chương trình tương đối mềm, do đó sinh viên có thể yên tâm. “Có nhiều mức học bổng khác nhau, TS có điểm đầu vào cao thì được giảm 100% học phí năm học đầu tiên. Với sinh viên nữ, chúng tôi có gói học bổng riêng, giảm học phí năm đầu tiên”, ông Lưu thông tin.

Trong khi đó thạc sĩ Nguyễn Văn Minh cho biết Trường ĐH Mở TP.HCM luôn định hướng đào tạo khối kỹ thuật theo hướng ứng dụng, ngoài ra cũng có xu hướng hội nhập quốc tế.

Một khán giả hỏi: “Học kỹ thuật có phải không lo thất nghiệp, nhưng phải giỏi cả toán, lý, hóa và ngoại ngữ?”. Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay: “3 môn toán, lý, hóa xuất hiện trong nhiều tổ hợp xét tuyển, như vậy nếu học tốt 3 môn này, cơ hội trúng tuyển vào ngành kỹ thuật là cao. Riêng việc cần giỏi tiếng Anh thì không chỉ áp dụng với ngành này mà còn nhiều ngành khác, vì có lợi thế ngoại ngữ sẽ giúp công việc tốt hơn. Nhưng các bạn cứ yên tâm, vì trường học nào cũng đồng hành cùng sinh viên, để các em đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh, tin học”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin: “Tiềm năng việc làm của khối ngành kỹ thuật công nghiệp rất lớn. Hiện tỷ lệ cung cấp nguồn nhân lực của nhóm ngành này cho thị trường lao động chỉ ở mức 1,5%. Sinh viên chọn học ngành này cần một số tố chất như giỏi về các môn tự nhiên, có tư duy logic. Bên cạnh đó là yêu thích, đam mê cập nhật những công nghệ, kỹ thuật mới…”.

Bàn về câu chuyện việc làm, thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Chúng ta đang có nhu cầu nhân lực rất lớn cho ngành công nghệ sinh học. Đợt dịch khốc liệt vừa qua cho thấy công nghệ sinh học đóng góp quan trọng trong công tác chống dịch, như tạo ra kit test, nghiên cứu vắc xin. Hay việc làm thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp (nghiên cứu giống mới, sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, phân bón hữu cơ thân thiện môi trường), các công việc giúp giảm phát thải nhà kính trong các nhà máy khu xử lý rác, trong các tập đoàn chăn nuôi…”.

“Học kỹ thuật không lo thất nghiệp nếu như có sự đam mê, học hỏi, tạo ra được sản phẩm, có năng lực ngoại ngữ. Khi đó, bạn không chỉ có việc làm mà còn có thể khởi nghiệp, tạo việc làm cho nhiều người khác”, thạc sĩ Minh nhấn mạnh.

Nhiều ưu tiên cho thí sinh nữ

Bàn đến câu chuyện tại sao TS thường ít chọn khối ngành kỹ thuật trong khi nhu cầu nguồn nhân lực của ngành này rất cao, PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, đặc biệt nhấn mạnh đến các TS nữ. Theo PGS-TS Hưng, các bạn nữ chỉ đăng ký bằng 30% số bạn nam là đã giúp tăng số lượng sinh viên khối ngành này.

“Chúng tôi có nhiều học bổng khuyến khích các em nữ đăng ký chọn khối ngành kỹ thuật, cũng rất mong nhà nước có những chương trình hỗ trợ sinh viên nữ tham gia khối ngành này. Ở nhiều nước phát triển có chính sách khuyến khích sinh viên nữ chọn ngành kỹ thuật”, PGS-TS Hưng chia sẻ và khẳng định: “Ngành nào cũng cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác, cần cù, đặc biệt trong khối ngành kỹ thuật, công nghiệp thì càng cần hơn. Đây là lợi thế của những sinh viên nữ”.

Nói về những lợi thế với TS nữ theo khối ngành này, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng vị trí nào có quá nhiều nam thì nếu có một bạn nữ đăng ký vào cơ hội trúng tuyển là trong tầm tay, ra trường cơ hội việc làm lớn hơn các bạn nam rất nhiều lần.

Ý kiến

PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng

PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng: “Tôi nghĩ là không có mặc định nữ giới phải làm ngành này, không được làm ngành kia. Ngành nào nữ giới cũng làm được”.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải

Tiến sĩ Võ Thanh Hải: “Nếu các em tốt nghiệp khối ngành này được trang bị kiến thức chuyên ngành vững và có thêm một vài kỹ năng thì DN sẽ luôn chào đón, cơ hội việc làm không thiếu”.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân: “Định hướng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, lực lượng trực tiếp tham gia quá trình này là các kỹ sư trẻ, nên cơ hội việc làm của khối ngành này là rất cao”.

Thạc sĩ Trần Mạnh Thái

Thạc sĩ Trần Mạnh Thái: “Áp lực của ngành học này nặng, thời lượng và công sức cũng nhiều hơn so với một vài ngành khác, cũng như đòi hỏi độ chính xác rất cao nên dẫn đến tâm lý e ngại cho TS khi lựa chọn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.