Ngành xây dựng dẫn đầu về số người chết do tai nạn lao động

12/06/2012 20:34 GMT+7

(TNO) Thực trạng tai nạn lao động (TNLĐ) tại Việt Nam đã đến mức báo động gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó ngành xây dựng dẫn đầu về số vụ tai nạn chết người.

>> Đừng để xảy ra tai nạn lao động nữa!
>> Sập giàn giáo, 2 người thiệt mạng
>> Lãnh 3 năm tù vì sơ suất trong an toàn lao động làm chết 3 công nhân
>> Rơi thang vận chuyển vật liệu xây dựng, 3 người chết

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam” do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hôm nay 12.6.


Hiện trường vụ sập dàn giáo tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Nội) - Ảnh: Minh Sang

Tăng số người chết vì huấn luyện hời hợt

Theo số liệu từ Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH), năm 2011 có 574 người chết do TNLĐ. So với các năm trước, hầu như không có sự thuyên giảm. Các lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ gồm: xây lắp (chiếm 34,43%); khai khoáng (12,7%); cơ khí chế tạo (7,8%); sản xuất vật liệu xây dựng (8,3%).

Đáng chú ý, các vụ tai nạn gây chết người trong ngành xây dựng (công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông) chiếm 51,11%. Trong 5 năm gần đây, TNLĐ chết người trong lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc liên tục tăng. Nếu như năm 2005 chỉ có 172 người chết, thì năm 2011 số người chết đã tăng lên 290 người.

Lý giải điều này, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động cho rằng: “Điều kiện làm việc trong ngành xây dựng rất phức tạp do phải thay đổi tổ chức, máy móc, thiết bị… Công nhân xây dựng chủ yếu làm việc ngoài trời, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết. Điều kiện đó dễ làm cho con người chóng mệt mỏi, suy yếu, cảm nóng, cảm lạnh. Hơn nữa, môi trường lao động có rất nhiều yếu tố độc hại như bụi đá, rung, ồn, hơi độc”.

Bên cạnh tác động của điều kiện lao động, qua theo dõi thực tế, kỹ sư Phùng Đức Quang, Thường trực Hội đồng Bảo hộ lao động (Tổng công ty CP Vinaconex) chỉ rõ bất cập trong công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã dẫn tới tỷ lệ TNLĐ trong ngành xây dựng luôn đứng ở mức cao.

“NLĐ tham gia trong ngành xây dựng cũng đa dạng và không ổn định. Phần đông là công nhân hợp đồng thời vụ. Việc tổ chức huấn luyện chỉ mang tính hình thức, hời hợt, chiếu lệ, thời gian huấn luyện không đảm bảo. Nội dung huấn luyện chung chung, không sát với thực tế NLĐ đảm nhận. Đặc biệt do sức ép tiến độ, nhiều đơn vị đã sử dụng cả LĐ thời vụ làm các công việc đòi hỏi kỹ thuật hoặc bố trí làm việc tại những nơi nguy hiểm, không có biện pháp phòng ngừa”, kỹ sư Quang nói.

Tăng chế tài xử phạt

Theo ông Hà Tất Thắng, nguy cơ tiềm ẩn TNLĐ trong ngành xây dựng rất lớn. Đây là bài toán đặt ra đối với ngành xây dựng khi mà ở hầu khắp 63 tỉnh, thành phố đang ngày càng có nhiều công trình xây dựng, dự án được khởi công, bàn giao và đưa vào vận hành.

Bên cạnh tăng cường công tác huấn luyện, thanh tra về ATVSLĐ, ông Hà Tất Thắng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB-XH xây dựng Luật ATVSLĐ, dự kiến trình Quốc hội năm 2014, trong đó sẽ tăng mức xử phạt, rút giấy phép, truy tố những doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng. Luật ra đời sẽ tăng tính thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa TNLĐ.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.