Tình trạng ngập nặng liên tục diễn ra tại các cửa ngõ phía tây và phía đông TP.HCM không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà còn khiến TP bị "chia cắt" cục bộ với các tỉnh trong lưu thông hàng hóa vào thời điểm ngập gây kẹt xe.
Chiều 5.7 vừa qua, cơn mưa như trút nước kèm theo gió giật mạnh khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư tại các quận khu vực trung tâm TP.HCM như Q.3, 5, 10... không kịp thoát nước gây ngập cục bộ một số điểm.
Không chỉ khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ phía tây TP như các đường Kinh Dương Vương, Đỗ Năng Tế, Hồ Học Lãm... cũng rơi vào tình trạng ngập nặng, phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn. Mưa lớn còn khiến một số cây cối bị gãy, đổ, đường vào TP gần như bị "đóng băng" khoảng 2 tiếng đồng hồ.
VIDEO: Phố Tây Bùi Viện cũng ngập nước trong một cơn mưa gần đây
Trận mưa lớn vào chiều 15.5 đã làm nhiều tuyến đường ở TP.HCM ngập nặng, người dân vô cùng khổ sở vì lội nước, té ngã trên đường về nhà.
Vùng cửa ngõ phía đông, đặc biệt là đoạn xa lộ Hà Nội, chân cầu Rạch Chiếc (thuộc khu vực Q.9 và Q.Thủ Đức hướng về trung tâm TP) được những người thường xuyên lưu thông qua đây coi là “điểm đen” ngập nước mỗi khi trời mưa. Đây là khu vực nhiều xe tải, container di chuyển thường xuyên nên mỗi khi mưa lớn gây ngập, xe máy phải lấn qua làn ô tô rất nguy hiểm.
KTS Ngô Viết Nam Sơn lo ngại, các tuyến giao thông vành đai hướng tâm về lý thuyết không thể để ngập vì không chỉ ảnh hưởng giao thông, mưa ngập còn gây thiệt hại lớn đến phát triển kinh tế. Bởi không chỉ phục vụ giao thông, các tuyến đường này còn được sử dụng lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận, vì vậy, để ngập càng lâu thiệt hại càng lớn. TP cần phải tập trung nguồn lực giải quyết ngay tình trạng ngập lụt gây tắc nghẽn ở khu vực cửa ngõ vào TP.
Từ đầu mùa mưa đến nay, nhiều khu vực dân cư, tuyến đường phía đông TP.HCM thuộc các quận Thủ Đức, 9, nơi có địa hình cao nhất thành phố đã bị ngập nặng.
Sông, kênh rạch bị "cống hóa"
Lý giải nguyên nhân ngập nặng kéo dài tại các vùng cửa ngõ, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM phát triển chưa đồng bộ, trong đó vùng ven phát triển quá nhanh, hạ tầng không theo kịp. Bên cạnh đó, TP quá bị động trong việc quy hoạch cốt nền, quy hoạch không gian dành cho nước như hồ điều tiết, cống thoát nước…
“Biện pháp chữa cháy cấp tốc là sử dụng máy bơm, thoát nước khỏi những khu vực ngập nặng. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp tình thế, không thể là giải pháp dài hạn vì máy bơm công suất mạnh có thể ảnh hưởng đến đất, đá khu vực bơm. Thông cống, thoát nước tự nhiên mới là giải pháp bền vững”, KTS Sơn đánh giá. Từ đó, ông đề xuất, các cơ quan kiến trúc, quy hoạch, giao thông hạ tầng phải cùng nhau nghiên cứu, rà soát, đưa ra phương án hiệu quả. “Ngập nước, kẹt xe không còn là những vấn đề đơn ngành. Phải có hợp tác đa ngành, giải quyết từng khu vực mới có hiệu quả lâu dài, bền vững”, ông nói.
Đồng quan điểm, ông Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận xét những nơi ngập nặng là những khu vực có mức đầu tư yếu kém, đặc biệt là vùng ven TP. Q.2, Q.Thủ Đức đang phát triển quá nhanh trong khi TP không có đủ kinh phí để đầu tư tương xứng về hạ tầng, các công trình thoát nước. Bên cạnh đó, tình trạng lấp ao hồ, kênh rạch đang ngày càng gia tăng khiến lượng nước chảy tràn không có chỗ trữ, thoát.
Tất cả các dự án chống ngập TP đang triển khai như dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, dự án sử dụng máy bơm thông minh ít nhiều cũng sẽ đem lại kết quả, tuy nhiên chỉ mang tính chất tạm thời. “Các giải pháp đã có nhưng cần kế hoạch đầu tư và chiến lược cụ thể, căn cơ, hợp lý. Chính quyền TP có trách nhiệm huy động nguồn vốn, đầu tư hệ thống cầu cống thoát nước, hạn chế lượng nước chảy tràn, đặc biệt các vùng ven, cửa ngõ TP”, TS Hồ Long Phi đề xuất.
Khẩn trương xử lý, tháo dỡ công trình xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước; tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước, không xả rác vào hệ thống thoát nước, không lắp chặn miệng thu nước...
Ở góc độ khác, một chuyên gia cho rằng, nguyên nhân TP không thể giải quyết ngập một cách đồng bộ, rất có thể do TP đang lún, đặc biệt là phía đông và phía nam. Thể hiện rõ nhất là phía đại lộ Đông Tây, đường Võ Văn Kiệt. Khi xây dựng các dự án này không gặp vấn đề gì nhưng hiện nay đều đã ngập.
Cùng với đó, việc hệ thống hồ thoát nước bị lấp để xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng đã vô tình "cống hóa" nhiều kênh, rạch ở TP.HCM. Các công trình này đáng ra phải có hệ thống hồ điều hòa nước với diện tích phải có khả năng thoát nước cho gần một nửa khu vực nhưng lại không làm, khiến nước ứ đọng không chỗ thoát. “Cho đến nay, TP vẫn chưa có quy hoạch thoát nước toàn mặt bằng.
Tác động các công trình cao tầng lên nền chịu tải của TP, đặc biệt với chế độ triều cường lên xuống như TP.HCM hiện nay rất dễ gây tai biến địa chất. Tất cả đều chưa có nghiên cứu cụ thể nên loay hoay mãi vẫn không tìm ra giải pháp”, vị này nhận định. Ông đề xuất dừng ngay việc cống hóa cũng như san lấp, lấn hệ thống kênh, rạch, sông trên địa bàn TP. Việc này vừa phản tự nhiên, gây ngập lụt, vừa mất cân bằng sinh thái; dẫn đến phải thải thoát nước cưỡng bức chứ không thể thoát nước tự nhiên.
Thông tin từ Trung tâm chống ngập TP cho biết hai cửa ngõ phía tây, đoạn nối với quốc lộ 1A hiện nay đang chuẩn bị dự án nâng cấp, cuối năm sẽ khởi công. Công ty CP đầu tư xây dựng TP.HCM cũng đang triển khai dự án nâng cấp hạ tầng quốc lộ 1A. Vùng cửa ngõ phía đông, công ty này cũng đang đầu tư mở rộng phía chân cầu Rạch Chiếc (khu vực Q.9) nhưng hiện còn vướng giải phóng mặt bằng 2, 3 hộ dân. Đại diện Trung tâm chống ngập khẳng định các khu vực này chắc chắn hết ngập sau khi các dự án trên hoàn thành.
Bình luận (0)