Từ 1.7, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là lực lượng được kiện toàn từ 3 lực lượng đang tồn tại, gồm: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
"Cánh tay nối dài" của công an xã
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân, nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng này chịu sự quản lý trực tiếp của UBND và sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an cấp xã.
Theo quy định tại luật, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được bố trí thành tổ bảo vệ ANTT. Tổ bảo vệ ANTT gồm có tổ trưởng, tổ phó (ưu tiên đội trưởng, đội phó dân phòng kiêm nhiệm "2 vai") và tổ viên. Địa bàn phụ trách của mỗi tổ là một hoặc một số thôn, tổ dân phố. Lực lượng này sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ công an cấp xã nắm tình hình về ANTT trên địa bàn; hỗ trợ PCCC và cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động…
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế (Trường ĐH Luật Hà Nội), nhận định tình hình ANTT ở cơ sở hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nếu đặt hết lên vai lực lượng công an chính quy thì vô cùng nặng nề. Với số lượng biên chế có hạn, khối lượng công việc dường như là không làm xuể, không thể hết được. Nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, số lượng cán bộ mỏng; trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, kích động; chưa kể đường sá đi lại khó khăn, địa hình cách trở; nếu đợi lực lượng chính quy tới chi viện sẽ mất rất nhiều thời gian.
Vì thế, theo PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ là "cánh tay nối dài" giúp công an cấp xã nắm bắt nhanh nhất, chính xác nhất, kịp thời nhất những mâu thuẫn, bất thường phát sinh tại cơ sở, để có biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa.
Ra mắt trên toàn quốc vào 1.7
Để chuẩn bị cho luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực, Bộ Công an cho biết đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ ra mắt lực lượng này. Đến nay, công an 63/63 địa phương đã xây dựng, trình UBND tỉnh kế hoạch tổ chức lễ ra mắt. Buổi lễ sẽ đồng loạt tổ chức trên cả nước vào đúng ngày 1.7.
Cùng với đó, Bộ Công an còn tham mưu với Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; ban hành tài liệu, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ gửi đến công an các đơn vị, địa phương. Hiện tại, công an 63 tỉnh, thành phố đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật; xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT; chế độ chính sách và mức hỗ trợ thường xuyên…
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở quy định người tham gia lực lượng này sẽ được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Theo tổng hợp dự kiến của các địa phương, mức hỗ trợ đa số là từ 1 triệu đồng trở lên (trừ tỉnh Bắc Kạn là 900.000 đồng và Hà Giang là 700.000 đồng). Một số tỉnh, thành dự kiến mức hỗ trợ cao như TP.HCM (hơn 6,1 triệu đồng/người/tháng), Bình Dương (4,7 triệu đồng/người/tháng), Hà Nội (hơn 2,8 triệu đồng/người/tháng).
Thống kê từ Bộ Công an cho thấy toàn quốc sẽ có khoảng 82.213 tổ bảo vệ ANTT với 286.216 thành viên. Số lượng là rất lớn, nhưng theo thuyết minh của Bộ Công an khi soạn thảo luật, do được kiện toàn từ 3 lực lượng đang tồn tại nên việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ không tăng về số người, cũng không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay.
5 điều kiện để tham gia lực lượng
Vẫn theo luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, UBND cấp xã có trách nhiệm bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng này. Nơi đó có thể là địa điểm sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc nơi làm việc của công an cấp xã, hoặc địa điểm khác phù hợp với nhiệm vụ của lực lượng và khả năng bảo đảm của địa phương.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp bị thương hoặc chết khi thực hiện nhiệm vụ, người tham gia lực lượng được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Công dân VN nếu có nguyện vọng và đáp ứng 5 tiêu chuẩn, điều kiện như sau thì được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Thứ nhất là từ đủ 18 - 70 tuổi, trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã.
Thứ hai là có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự…
Thứ ba là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục THCS trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn… thì có tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
Thứ tư là đang thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Thứ năm là có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
3 cấp độ phòng thủ dân sự
Cũng từ ngày 1.7, luật Phòng thủ dân sự sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp; các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sự cố, thảm họa là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, trong đó có VN.
Luật quy định rõ 7 nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự. Trong số này, phòng thủ dân sự được tổ chức thống nhất từ T.Ư đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ; đồng thời phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm 4 tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của T.Ư, địa phương khác và cộng đồng quốc tế…
Luật còn phân chia 3 cấp độ phòng thủ dân sự. Cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã. Cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh. Cấp độ 3 áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh.
Tùy từng cấp độ, các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự gồm: sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; cấm, hạn chế người, phương tiện vào những khu vực nguy hiểm; tiêu tẩy, khử độc, khử khuẩn, vệ sinh môi trường; cách ly, giãn cách xã hội phù hợp với mức độ của sự cố, thảm họa trên địa bàn; tạm dừng hoạt động của trường học; tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu; hạn chế hoặc tạm dừng việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh nếu thấy cần thiết…
Bình luận (0)