(TNO) Ông Lê Xuân Vết, “thần gà” Đông Tảo của đất Hưng Yên từng là một người lính can trường đánh giặc Mỹ.
Ông Lê Xuân Vết, chiến sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ nuôi gà - Ảnh: Nhật Trường
|
Khi ông Vết xắn 2 ống quần cao đến đầu gối, những vết sẹo chằng chịt bao vây hai bắp chân gân guốc lộ ra. Những phần da thịt không còn lạnh lặn ấy là di chứng của việc phơi nhiễm chất độc hóa học trong suốt thời gian ông tham gia chiến đấu trên cung đường Trường Sơn lịch sử.
Đội trưởng đoàn xe chở hàng chi viện
Năm 1965, ông Vết nhập ngũ khi vừa tròn 25 tuổi. Sau thời gian huấn luyện ở sân bay Kép, ông được điều về Cục Kỹ thuật, Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, rồi được cử sang Liên Xô học bắn tên lửa trong thời gian 3 tháng.
Sau khi từ Liên Xô về, do yêu cầu của chiến trường, ông được phân công về làm đội trưởng một đoàn xe gồm 20 chiếc chở hàng chi viện cho miền Nam mang tên đơn vị Độc Lập. Khe Sanh, Làng Vây hay Cồn Tiên, Dốc Miếu - những địa danh mà hàng ngày bom Mỹ dội xuống xối xả như mưa rào là chặng đường quen thuộc của đoàn xe anh dũng. Thác Cóc, trước đây từng được gọi là khe tử nhưng là con đường duy nhất, đoàn xe bắt buộc phải băng qua.
Hai chân ông Vết chằng chịt những vết sẹo của chiến tranh - Ảnh: Lê Nam
|
Trong một lần trú hầm, bom Mỹ bất ngờ đánh phá dữ dội khiến nhiều đồng đội của ông Vết hy sinh. Máu của một chiến sĩ nằm cạnh đã nhuốm đỏ cơ thể ông Vết, tưởng như chính ông trúng đạn.
Để tránh bị máy bay bắn phá, người chỉ huy phải có những tính toán cẩn thận về tốc độ di chuyển, lúc nhanh lúc chậm để máy bay địch không nắm được quy luật hoạt động của mình. Chiến thuật đó, ông Vết gọi tên là “tạo ra tốc độ giả”.
Ông Vết luôn tự hào khi đoàn xe của ông được phục vụ và góp phần thành công vào những chiến dịch lớn như Đường 9 - Nam Lào hay chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1975, tại sân bay Tân Sân Nhất ông Vết được ăn mừng ngày giải phóng cùng với đồng đội.
Một kỷ niệm mà ông Vết nhớ mãi, sau ngày thống nhất đất nước 30.4, ông nghe tin một người em họ đang ở Biên Hoà thì mượn ngay một chiếc xe máy rồi tức tốc xuống tìm em. Ba ngày không tìm thấy em, ông trở về Tân Sân Nhất mà lòng nặng trĩu. May mắn thay, sau đó hai tuần, hai anh em được đoàn tụ, cả hai cứ thế ôm nhau khóc.
Chiến sĩ làm kinh tế
Ông Vết cùng con trai xây trại nuôi gà ở quê nhà - Ảnh: Nhật Trường
|
Tháng 6.1976, ông trở về quê nhà ở xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Năm 1999, ông bắt tay thực hiện nhân giống, phát triển giống gà quý Đông Tảo, ngày đó từng bị đánh giá thấp vì “nuôi bao nhiêu dồn hết vào cặp chân”.
Đến nay, trang trại gà của ông luôn duy trì số lượng hơn 170 con gà Đông Tảo lớn nhỏ các loại, mỗi ngày sản xuất ra hàng trăm quả trứng, đem lại giá trị kinh tế cao, được trả giá tới 80.000 đồng cho mỗi quả. Mỗi cặp gà Đông Tảo có thể được trả hàng chục triệu đồng.
Bà Thịnh vợ ông Vết luôn tự hào kể với con cháu, ông là tấm gương sáng khi vừa can trường đánh giặc, vừa bản lĩnh trong cuộc sống đời thường.
Nhận ông Vết làm cha nuôi nhờ bài báo trên Thanh Niên Online
Dịp Tết nguyên đán 2015, Thanh Niên Online có đăng bài viết “Thần gà” Đông Tảo: Cặp gà giá 120 triệu vẫn không bán, giới thiệu về ông Lê Xuân Vết và trại gà Đông Tảo, anh Cao Trí Thức, một độc giả đang ngụ tại TP.HCM đã liên hệ với ông Vết, và xin ông Vết nhận mình là con nuôi.
“Tôi thực sự cảm kích trước tấm gương lao động kinh tế của một người lính như bác, đồng thời qua Báo Thanh Niên, tôi đã tìm được địa chỉ mua gà Đông Tảo tin cậy. Trước đó, tôi từng có ít nhất 3 lần bị lừa mua phải gà Đông Tảo rởm”, anh Thức chia sẻ.
Ông Vết và anh Thức vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Hai “cha con” đang hẹn ngày gặp mặt giữa Sài Gòn trong một ngày không xa.
|
Bình luận (0)