Tròn 40 năm non sông đất nước liền một dải. 40 năm, dài hay ngắn? Chắc chắn là ngắn so với suốt chiều dài của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nhân loại, nhưng nếu nhớ lại rằng trong gần 500 năm trở lại đây của lịch sử nước Việt, con số 40 năm (đất nước thống nhất) ấy vẫn là một giới hạn số học chưa dễ vượt qua thì ta mới nhận ra lịch trình cam go của sự nghiệp thống nhất trên dải đất hình chữ S này.
Diễn tập chuẩn bị cho đại lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước tại TP.HCM - ẢNH: Đào Ngọc Thạch
|
Nhìn chung vẫn có xu hướng cho rằng nước Việt bị chia cắt bắt đầu từ cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh với Đàng Trong, Đàng Ngoài. Trên thực tế đất nước đã bị phân chia một cách không rõ ràng giới tuyến từ trước đó một thế kỷ. Năm 1527, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê. Vua Lê và các trung thần phải dạt vào Thanh - Nghệ tạo ra Nam triều (nhà Lê) và Bắc triều (nhà Mạc), và cùng với nó là cuộc chiến Nam - Bắc triều kéo dài hơn một thế kỷ, gồm cả thời gian sau khi nhà Lê đã giành lại được kinh đô và triều Mạc bật lên Cao Bằng. Cuộc chiến tranh này làm nảy sinh hai vị tướng có tài và cũng nhiều tham vọng, Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, để kế đó là cuộc tranh giành Trịnh - Nguyễn tạo ra gần như hai quốc gia riêng biệt với giới tuyến sông Gianh sau nhiều cuộc bất phân thắng bại khốc liệt.
|
Nhưng mầm mống đánh mất sự vẹn toàn lãnh thổ và mất nước đã có ngay từ trước khoảng thời gian 60 năm ấy, cụ thể hơn, có ngay từ trước khi nhà Nguyễn thiết lập vương triều khiến giai đoạn này trở nên bất trắc. Năm 1787, tại Hiệp ước Versailles, để nhận được sự giúp đỡ quân sự của Pháp trong cuộc chiến với Tây Sơn, chúa Nguyễn đã chấp nhận sẽ nhượng Côn Đảo và Hội An cho họ một khi cầm quyền. Vin vào đó, mặc dù đang ở trong tình trạng chiến tranh với châu Âu, nước Pháp vẫn thúc giục nhà Nguyễn thực thi điều khoản này và ngày càng lộ rõ ý đồ xâm chiếm VN. Trong suốt hai thập niên bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ 19 cho đến trước Hiệp ước Nhâm Tuất, quân Pháp liên tục khiêu khích, xâm nhập và bắn phá vào nhiều cảng biển VN. Tất cả điều đó chỉ ra rằng, 60 năm đất nước thống nhất dưới triều Nguyễn là 60 năm với những tiên báo về một cuộc chia cắt, mất nước khác. Thật vậy, sau khi đã hoàn thành cuộc xâm chiếm nước ta, năm 1887 Pháp lập Liên bang Đông Dương (gồm cả Lào, Campuchia), với chế độ cai trị/chính trị riêng biệt cho mỗi miền/kỳ. Do đó, cũng không thể nói VN là một đất nước thống nhất trong gần trăm năm thuộc địa Pháp (và nên nhớ, khi quay trở lại xâm chiếm VN lần thứ hai, việc đầu tiên là Pháp lập xứ Nam kỳ tự trị, tiếp tục chính sách chia để trị). Đất nước bị chia cắt liên tục và lâu dài như vậy đã khiến tâm nguyện thống nhất cũng cháy bỏng như tâm nguyện độc lập.
Bởi vậy, Cách mạng Tháng Tám thành công đem đến huy hoàng độc lập dân tộc cũng là đem đến huy hoàng thống nhất đất nước. Nói như nhà sử học Việt kiều Lê Thành Khôi, với Cách mạng Tháng Tám, “sự thống nhất thiêng liêng đã được thực hiện dưới ngọn cờ độc lập”*. Nếu trong những ngày nước sôi tiến tới cao trào Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã nói giữa rừng Việt Bắc: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập” thì trong cơn lửa bỏng người Pháp quay lại đánh chiếm Nam bộ, tại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nam bộ là máu của máu VN, thịt của thịt VN, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Trên những đoàn tàu hỏa băng băng trực chỉ chiến trường, lớp lớp thanh niên cả nước đã đáp lời hiệu triệu non sông với súng trên vai và quân ca sôi sục trên môi: “Tiếng súng vang sông núi miền Nam, ầm đất nước VN. Tiếng súng vang lừng khắp non sông, giết hết quân xâm lược...”.
Sau Cách mạng Tháng Tám, chúng ta bắt buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến xương máu ba mươi năm hoặc cũng có thể chia ra: một, cuộc chiến mười năm để chống lại người Pháp trong mưu toan xâm chiếm nước ta lần thứ hai; và một nữa, cuộc chiến hai mươi năm chống lại người Mỹ nhảy vào thay thế người Pháp. Không thể tách bạch những thắng lợi của dân tộc ta được đánh dấu bằng những mốc 19.8.1945, 20.7.1954 và 30.4.1975 trong ba mươi năm đó. Nó là một, là liên tục, được thực hiện bởi một dân tộc với lực lượng cách mạng tiên phong của mình. Những người của thời điểm 19.8.1945 cũng là những người của thời điểm 20.7.1954 và 30.4.1975, đâu có khác?
Lịch sử là dòng chảy thời gian không thể đoán định nhưng là tập hợp những logic của hoàn cảnh. Vào thời điểm 20.7.1954 ít ai có thể nghĩ rằng, đất nước này không thể thống nhất sau hai năm theo quy định của Hiệp định Genève. Ở thời điểm chỉ một năm sau đó, không còn ai nghĩ được như vậy. Và mươi năm sau đó nữa, dân tộc Việt đã sẵn sàng cho một cuộc trường kỳ, sẵn sàng cho cuộc kháng chiến “mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa...” để giành lấy độc lập thống nhất hoàn toàn. Khi một hiệp định chấm dứt chiến tranh lần thứ hai được ký kết vào ngày 27.1.1973, nào ai đã tưởng được vận hội sẽ đến vào ngày 30.4.1975? Và triết luận ở đây: không thể không hành động, không thể thụ động chờ. Hãy tin ở lịch sử!
Gần 500 năm chúng ta mới có được những ngày như hôm nay: đất nước liền một dải, bình tĩnh và hối hả tiến đến tương lai, như mọi quốc gia trên địa cầu này. Nhưng sự chia cắt lâu dài cũng đã dai dẳng để lại nhiều khác biệt, thậm chí cả những hiểu lầm, tương đố, một chiều... từ bên này, bên kia, từ tập họp này qua tập họp khác nhưng cứ nghĩ mà xem, ở mỗi giai đoạn lịch sử, dân tộc ta đã không bao giờ để sự khác biệt ấy là nhân tố trội, ngay cả những lúc cắt chia khó khăn nhất. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải cùng chung tay hành động, nhất là khi đất nước có thêm một vùng địa lý tương đối nữa: Cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
* Lịch sử VN, bản tiếng Việt, trang 564, Lê Thành Khôi, Nhã Nam - NXB Thế Giới, Hà Nội, 2014.
Bình luận (0)