Ngày cá tháng tư, bạn trẻ nghĩ về lời nói dối?

01/04/2022 19:04 GMT+7

Ngày cá tháng tư (1.4) được nhiều bạn trẻ hưởng ứng để chọc cười hay chơi khăm bạn bè bằng những lời nói dối . Nhưng có phải tất cả những lời nói dối đều được bỏ qua?

Cá tháng tư nên dừng ở mức đùa vui

Nói về ngày cá tháng tư, Nguyễn Kim Ngọc, (32 tuổi, chuyên viên truyền thông tổ chức sự kiện ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng ngày này trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam trong những năm gần đây và các bạn trẻ thường “bắt trend” bằng cách tạo ra câu chuyện hư cấu hoặc "đùa như thật" dựa theo những sự kiện thời sự.

Những câu nói đùa ẩn ý trên mạng xã hội trong ngày cá tháng tư

ẢNH chụp màn hình

Theo Ngọc, dù là trào lưu vui nhưng giới trẻ không nên lạm dụng, chơi khăm người khác quá mức trong ngày này bởi bản chất chọc vui đều có giới hạn nhất định. “Nếu trò chơi khăm có ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, hoặc có xu hướng miệt thị ngoại hình người khác thì hoàn toàn không nên”, Ngọc dẫn lại hành động trong buổi lễ trao giải Oscar vừa qua.

Đồng tình với Ngọc, Nguyễn Thảo Vy, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM, cho biết ngày cá tháng tư đã trở thành "nhận thức mặc định trong tư duy giới trẻ từ lâu". "Ngày càng nhiều bạn trẻ hưởng ứng ngày cá tháng tư bằng các bài đăng, bình luận vui nhộn trên mạng xã hội như: khoe “que thử thai” hay tuyên bố mình mới trúng số, làm một điều gì đó lớn lao…", Vy nói.

“Tôi nghĩ là với sự năng động của những người trẻ thì chơi khăm trong ngày này cũng bình thường. Chỉ cần ở trong một mức độ giới hạn là được”, Vy nói.

Nếu nói dối không gây hại hoặc có ích thì ngại gì

Vy thừa nhận bản thân cũng từng nhiều lần nói dối nhưng chưa đến mức gây hại cho những người xung quanh hoặc khiến bản thân cảm thấy xấu hổ. “Tôi đã từng nói dối trong ngày cá tháng tư rằng thầy cô bảo lớp lên văn phòng để chọc những người bạn lớp bên cạnh của tôi”, Vy kể.

Suy từ góc độ vui đùa chọc nhau ngày cá tháng tư thì Vy cho rằng chỉ nên sử dụng những lời nói dối trong một ngày nhất định, không nên biến nó thành mục đích chọc cười trong bất cứ tình huống nào. “Tuy vậy, nếu một lời nói của mình có thể mang lại lợi ích nào đó cho người khác thì ngại gì mà không nói”, Vy khẳng định.

Bạn trẻ hưởng ứng ngày cá tháng tư

ẢNH Chụp màn hình

Kể về một lần nói dối, Bùi Hoàng Long (25 tuổi, ngụ Bùi Gia Trí, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết anh thường nói dối cha mẹ khi còn nhỏ để trốn học đi chơi, được cho tiền mua đồ chơi điện tử hoặc nói dối khi bị điểm xấu hay có thành tích học tập kém… Rồi khi lớn lên, Long nhận thấy không nên nói dối như vậy để bản thân trở nên chín chắn hơn, sử dụng lời nói phù hợp với hoàn cảnh hơn.

Long nói: “Tôi cảm thấy nói dối về cơ bản là không xấu, nhưng lời nói dối phục vụ mục đích gì, có gây tổn hại cho đối phương hay không mới là điều cần cân nhắc thật kỹ. Có những lời nói dối không xấu, nhưng lại khiến đối phương tin vào điều đó, không nhìn nhận được bản chất của vấn đề và gây ra những sự cố đáng tiếc”.

Cuối cùng Long cho rằng: "Cuộc sống đôi khi quá áp lực và mệt mỏi. Một vài lời nói dối trong ngày cá tháng tư mang ý nghĩa vui vẻ, không gây tổn hại ai thì cũng không có gì để quá căng thẳng hay bực mình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.