Ngày cá tháng tư: Khi những lời nói dối trở nên đáng ghét

01/04/2023 09:00 GMT+7

Cá tháng tư (1.4) hay ngày nói dối được nhiều người trẻ hưởng ứng để chọc vui nhau. Tuy nhiên cần chọn lọc, cẩn trọng vì không phải lời nói dối nào cũng mang lại niềm vui.

Tuy được du nhập từ nước ngoài nhưng ngày cá tháng tư (1.4) lại được giới trẻ hưởng ứng rất nồng nhiệt. Theo nguyên tắc vào ngày này lời nói dối sẽ được tha thứ. Vì vậy, nhiều người đã tận dụng để có những màn chọc ghẹo nhau cười ra nước mắt. Một số câu nói dối kinh điển trong ngày này như: giả trúng số, thông báo có người yêu, hay báo bệnh xin nghỉ việc rồi bất ngờ xuất hiện trong cơ quan…

Vào ngày này các bạn trẻ dường như tự tạo cho mình “một hệ miễn dịch” để có thể tỉnh táo trước mọi thông tin của những người xung quanh. Tuy nhiên, có vài lời nói dối tưởng chừng như vô hại nhưng lại gây cảm giác khó chịu, bất an với người nghe.

Đem tình cảm chân thành ra làm trò đùa

Đặng Đức Huy, sinh viên Trường ĐH Văn Lang cho biết: “Bản thân mình là một người khá nghiêm túc trong phát ngôn, nhưng đôi lúc cũng rất thoải mái, vui vẻ đùa giỡn với mọi người và ngày cá tháng tư không là ngoại lệ. Thế nhưng, có một vài lời nói đùa nó gây sát thương, đâu đó có thể là về sức khỏe, diện mạo của các bạn hay là nói đùa về gia đình của người khác. Và đặc biệt là đem tình cảm chân thành của người khác ra làm trò đùa. Những điều này có thể khiến cho những bạn nhạy cảm dễ bị tổn thương”.

Ngày cá tháng tư: Khi những lời nói dối trở nên đáng ghét - Ảnh 1.

Đặng Đức Huy

NVCC

Huy nói tiếp: “Một lời nói dối mà mình rất khó chịu khi nghe được vào ngày cá tháng tư là người yêu đòi chia tay. Dù biết đó chỉ là lời nói dối nhưng cũng có thể là đối phương mượn cớ ngày này để bày tỏ sự thật. Điều này khiến mình thấy cảm xúc hơi mất ổn định, đôi khi sẽ suy diễn hay nghĩ theo chiều hướng xấu”.

Cũng từng là nạn nhân của ngày cá tháng tư, Phan Văn Thắng, sinh viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM, cho biết một số người lợi dụng ngày này để bày trò chơi khăm, đánh lừa người khác nhằm mục đích mua vui cho bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, không phải lời nói dối nào cũng tạo nên niềm vui, đôi lúc nó khiến cho người khác cảm giác khó chịu và câu nói ấy trở nên vô duyên.

Ngày cá tháng tư: Khi những lời nói dối trở nên đáng ghét - Ảnh 2.

Phan Văn Thắng

NVCC

“Bản thân mình cũng từng bị mọi người trêu đùa trong ngày cá tháng tư. Đó là việc được người thương tỏ tình, cậu ấy ngập ngừng nói: “Thắng à! Thật ra tớ thích cậu lâu rồi mà không dám nói. Cậu làm người yêu tớ nha ?”. Lúc đó mình tưởng thật, cảm giác vui sướng, nhưng sau khi mình đồng ý thì cậu ấy chỉ bảo là đùa, rồi chúc ngày cá tháng tư vui vẻ. Lúc đó trong đầu mình nghĩ làm như vậy là có vui không, cảm giác mình hụt hẫng, thất vọng và có đôi chút khó chịu”, Thắng kể.

Đùa "tiêu cực"

Phạm Thoại Đăng Trúc, sinh viên Trường đại học Tài chính - Marketing, cho biết: "Có 1 câu nói cứ đến ngày 1.4 là nó sẽ trở nên thịnh hành nhưng nó lại làm mình cảm thấy khó chịu đó là: "Sao phải đợi đến ngày 1.4 trong khi ngày nào cũng là lừa dối". Mình cảm thấy khi một ai nói ra câu này cảm giác như họ không quan tâm, đặt bản thân mình vào người khác. Và có lẽ họ không phải chỉ đơn thuần là đang đùa mà còn có thể gặp một vấn đề nào đó trầm trọng về mặt cảm xúc. Nếu mình là người nhận được câu đùa ấy, mình sẽ biểu thị rõ ràng quan điểm không đồng tình vì nó không tạo được niềm vui mà còn gây cảm giác tiêu cực".

Ngày cá tháng tư: Khi những lời nói dối trở nên đáng ghét - Ảnh 3.

Phạm Thoại Đăng Trúc

KIM NGỌC NGHIÊN

Hài hước và vô duyên rất mong manh

Còn Bùi Dương Gia Hân, học sinh Trường tiểu học - THCS Võ Thị Sáu, TP.HCM, cho biết cá tháng tư là ngày mà mọi người có thể thoải mái dùng lời nói dối để trêu những người xung quanh mà không sợ bị giận hờn. Nhưng theo nữ sinh cho biết không phải lời nói dối nào cũng tạo ra niềm vui, ví dụ như lời nói dối về sức khỏe: “Tớ thấy sức khỏe không ổn lắm” hay những người con đi học xa gọi điện về gia đình và nói rằng sức khỏe mình có vấn đề. Hân cho rằng điều này sẽ khiến cho người thân của mình lo lắng, hoảng sợ.

Ngày cá tháng tư: Khi những lời nói dối trở nên đáng ghét - Ảnh 4.

Bùi Dương Gia Hân

NVCC

“Mặc dù ta có thể thoải mái nói dối, trêu chọc trong ngày cá tháng tư nhưng mình mong rằng mọi người hãy lựa chọn những câu nói mang lại niềm vui cho cả hai bên. Không nên nói vấn đề khiến người khác lo lắng, sợ hãi hay chạm đến nỗi đau trong lòng họ. Hãy dừng đúng lúc và đừng vượt quá giới hạn mọi người nhé”, Hân chia sẻ.

Trong một lần khác, Thắng cũng bị nhóm bạn đùa quá trớn vào ngày cá tháng tư: “Hôm ấy nhóm bạn muốn rủ mình đi chơi nhưng lại gọi điện bảo là em trai của một người trong nhóm đấy bị tai nạn và bảo mình đến một địa điểm nọ để giúp đỡ. Chỉ vì câu nói đùa mà các bạn cho rằng là vô hại mà mình đã rất lo lắng, vội vã chạy xe đến thật nhanh và không may bị ngã xe. Sau đó mình đến địa điểm thì mới biết là nói dối cá tháng tư”.

Theo Thắng ngày cá tháng tư từng trở thành ngày tồi tệ của không chỉ riêng bản thân mà còn nhiều người bởi trò đùa lố. Thắng cho biết trong ngày này chúng ta được nói dối, đùa giỡn với nhau nhưng hãy lựa những câu nói dối, trò đùa vô hại, tránh để lại hậu quả khôn lường, bởi ranh giới giữa hài hước và vô duyên rất mong manh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.