Ngày đầu đổi giờ học: Học sinh, nhà trường đều mệt mỏi

02/02/2012 03:32 GMT+7

Chưa phản ánh đúng tình hình giao thông

Ngày đầu tiên Hà Nội đổi giờ học ở 12 quận huyện, rất nhiều vấn đề bất hợp lý đã nảy sinh, gây xáo trộn trong mỗi nhà trường, mỗi gia đình.

 
Phụ huynh vất vả đón con tan trường tối 1.2 - ảnh: Ngọc Thắng

Quá nhiều xáo trộn

Có mặt tại cổng Trường THPT Kim Liên lúc 19 giờ, trời tối cộng với cái rét tê tái của mùa đông, không ai nghĩ đây là lúc hàng nghìn học sinh (HS) mới được tan giờ học chính khóa. PV Thanh Niên chứng kiến cảnh phụ huynh HS đến đón con gây ách tắc khu vực cổng trường, tăng hơn hẳn ngày thường, không ít HS ra về với vẻ ủ rũ, mệt mỏi.

Một phụ huynh chờ đón con của trường cho hay: “Mọi ngày tan học vào lúc 17 giờ 30 thì cháu đều tự đi xe đạp đến trường, nhưng nay thì tôi phải đi đón vì nếu cháu tự đạp xe về phải mất 40 phút, nghĩa là khoảng 20 giờ mới về đến nhà. Trời tối, cháu lại là con gái nên tôi rất lo lắng”.

Một phụ huynh khác đứng cạnh tiếp lời đầy cám cảnh: “Mọi hôm cháu tan học buổi chiều, về trước còn nấu cơm, tắm cho em giúp mẹ. Nay thì mẹ phải cuống cuồng về nhà lo cơm nước, lại thêm việc đưa đón con nữa”.

Hiệu trưởng các trường Thăng Long, Việt Đức, Nguyễn Trãi... cho biết số HS đi học muộn ngày đầu tiên đổi giờ học tăng hơn hẳn so với lịch học trước đây. Không ít giáo viên cũng đi làm trễ giờ vì phải bố trí công việc gia đình, đưa con nhỏ đi học... Thầy N.V.H, giáo viên Trường THPT Vạn Xuân, kể sự cố ngày đầu tiên đổi giờ học: “Do nhà cách xa trường nên tôi phải đi làm từ 6 giờ sáng để kịp dạy tiết đầu tiên, trời mùa đông nên giờ đó vẫn chưa sáng hẳn, dọc đường xe máy của tôi bị nổ lốp mà không có hàng nào sửa xe, phải nhờ người mang dụng cụ vá xe đến giúp nhưng cuối cùng vẫn bị muộn giờ”.

Buổi chiều, giờ học lùi xuống 14 giờ 30 nhưng hiện tượng HS đến muộn, bỏ tiết nhiều hơn cả buổi sáng. Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, nói nhà trường bất ngờ khi buổi chiều khá nhiều HS đi học muộn, tăng đột biến so với những ngày trước khi giờ học là 13 giờ: “Tôi có trao đổi với một số em thì có em cho biết do ngủ quên, có em thì đến sớm quá nên đi chơi, quên mất giờ vào lớp”.

Lo chất lượng dạy học giảm sút

Trao đổi với PV Thanh Niên, điều khiến các trường bày tỏ lo ngại nhất vẫn là việc thay đổi giờ học buổi chiều đối với khối THPT sẽ ảnh hưởng tới chất lượng truyền đạt và tiếp thu kiến thức của HS. Nhà giáo Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cho rằng nền nếp dạy và học bị thay đổi quá nhiều. Việc thay đổi giờ học kéo dài tới 19 giờ không hề tính đến yếu tố tâm sinh lý của cả người dạy và người học, rất phản khoa học, phản sư phạm, làm gia tăng tình trạng dạy nhồi, học nhét.

Theo ông Đại, nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe thầy trò, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở khối THPT. “Dù có tâm huyết, nhiệt tình và tài giỏi đến mấy thì việc dạy từ 7 giờ sáng đến 19 giờ cũng sẽ khiến giáo viên mệt mỏi, dạy đối phó. Đó là chưa kể giáo viên nữ có con nhỏ, bao nhiêu công việc gia đình bộn bề chờ họ ở nhà vào khoảng thời gian từ 17-19 giờ khiến họ không thể chuyên tâm cho bài giảng trên lớp được” - ông Đại nói.

Chính vì vậy, ông Đại đề nghị nên thay đổi lịch học ca chiều, bắt đầu từ 13 giờ và kết thúc muộn nhất vào 18 giờ.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, Q.Hai Bà Trưng, cuối giờ chiều là quãng thời gian cần nhất để nghỉ ngơi, ăn uống... mà bắt giáo viên dạy, HS học thì chắc chắn ai cũng ngao ngán. Hơn nữa, với HS THPT, thời gian dành cho việc tự học, ôn luyện để thi cử là rất quan trọng. Kết thúc giờ học muộn, về đến nhà HS ăn cơm, vệ sinh cá nhân, đến giờ mọi người cần được đi ngủ thì các em lại phải ngồi vào bàn học.

Ông Dũng còn cho hay hiện nay do phải bắt đầu lên lớp từ 7 giờ sáng nên có giáo viên đến trường dạy xong tiết 1 lại lao về nhà đưa con đi học (vì khối mầm non, tiểu học bắt đầu từ 8 giờ), rồi lại đến trường dạy tiếp. Buổi chiều thì có người đón con đưa thẳng về trường để dạy những tiết cuối. “Vì thế, giáo viên trường tôi đang “đòi” nhà trường phải thành lập... nhà trẻ để họ đón con từ trường mầm non, tiểu học về có chỗ gửi tiếp để yên tâm lên lớp” - ông Dũng nói với vẻ hài hước khá chua chát.

Đối với khối trường THCS, điều bất cập lại là thời gian giao ca giữa ca sáng và ca chiều quá ngắn ngủi (chỉ 30 phút) khiến hầu hết các trường đều xảy ra tình trạng ách tắc trước cổng và trong sân trường. Ca sáng vừa tan thì ca chiều ào vào nên bộ phận lao công không kịp dọn dẹp vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh nên nhiều khi HS ca chiều phải chấp nhận học trong lớp học còn đầy rác.

Giáo viên phải làm thêm giờ không có thù lao

HS các trường mầm non, tiểu học, THCS, thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8 giờ và kết thúc lớp học chiều vào 17 giờ; Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phải chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận HS từ 7 giờ 30 và quản lý HS đến 17 giờ 30 hằng ngày. Như vậy, theo quy định này, giáo viên sẽ phải làm thêm giờ so với giờ quy định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV thì các trường chưa hề nhận được hướng dẫn hay thông báo nào về việc cấp kinh phí để trả cho cán bộ, giáo viên làm ngoài giờ.

Tuyết Mai

Trả thêm tiền điện

Hầu hết các trường THPT đã lên kế hoạch lắp đặt thêm hệ thống ánh sáng trong lớp học, ngoài sân trường để đảm bảo ánh sáng vào giờ tan học trong khi trời đã tối. Điều này cũng đồng nghĩa nhà trường sẽ phải trả số tiền điện hằng tháng lớn hơn so với trước kia, vì trung bình mỗi ngày sẽ có thêm khoảng 1,5 giờ phải sử dụng tối đa các thiết bị điện.

Tuệ Nguyễn

Có trường vẫn áp dụng giờ học cũ

Theo ghi nhận, trên thực tế, 17 giờ 30 phút tại các điểm chờ xe buýt dọc hai bên đường Xuân Thủy có rất nhiều HS Trường THPT Nguyễn Tất Thành đợi bắt xe buýt. Một HS nữ lớp 10 chuyên Anh của trường cho biết trường em vẫn theo lịch học như trước tết, chứ không áp dụng đổi lịch học như nhiều trường khác.

Minh Sang

Chưa phản ánh đúng tình hình giao thông

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, 7 giờ kém sáng 1.2, một số trường ĐH ở khu vực Q.Cầu Giấy, Đống Đa như: ĐH Sư phạm 1, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, Học viện Báo chí tuyên truyền, ĐH Giao thông vận tải vẫn vắng bóng sinh viên. Đây là lý do làm cho lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng, Đê La Thành, Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng… trong khoảng thời gian từ hơn 6 giờ tới 7 giờ kém vẫn thưa thớt và thông thoáng.

Nhưng 7 giờ 45, các tuyến đường dẫn tới trường học như ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Trúc Khê, Trúc Khê - Nguyên Hồng, Nguyên Hồng - Huỳnh Thúc Kháng… đều bị ùn ứ. Các dòng phương tiện đều phải nhích từng vòng bánh xe.

17 - 17 giờ 30, cảnh ùn tắc vẫn tái diễn tại một số điểm nóng như đoạn La Thành giao cắt Khâm Thiên, Thái Thịnh 2, Nguyễn Lương Bằng… khi dòng xe cộ vẫn nhích từng chút một. 17 giờ 45, các tuyến đường như Chùa Láng, Khuất Duy Tiến, Bưởi, Cầu Giấy - Xuân Thủy cũng trong tình trạng ùn tắc, đặc biệt tuyến đường Xuân Thủy ùn tắc kéo dài. Tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến cũng xảy ra tình trạng tương tự, rất nhiều phương tiện là xe máy lao lên vỉa hè để đi.

Theo đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng CSGT Công an TP.Hà Nội, kết quả thực hiện lệch giờ học, giờ làm sáng qua chưa thể phản ánh đúng tình trạng giao thông sau khi thực hiện đổi giờ do lưu lượng và mật độ giao thông vừa ra tết chưa trở lại nhịp độ bình thường. Cụ thể, một số lượng lớn sinh viên ngoại tỉnh được nghỉ tết chưa về tập trung đầy đủ để đi học. Ngoài ra, số lượng lớn người lao động ngoại tỉnh cũng chưa lên Hà Nội làm việc, người dân còn đi du xuân nhiều ở tỉnh xa…

Đại tá Ngọc cho biết thêm, nhiều khả năng ngoài ngày rằm tháng giêng, khi lượng người đổ về Hà Nội đã ổn định, mới có thể đánh giá được việc thay đổi giờ làm, giờ học có thật sự hiệu quả hay không.


Ùn tắc lúc 17 giờ 35 phút trên tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - ảnh: Minh Sang

Mai Hà - Hà An

Tuệ Nguyễn

>> Uể oải giờ học lúc 19 giờ
>> Loay hoay chuẩn bị đổi giờ làm việc học hành
>> Ngủ gật khi đến trường
>> Hà Nội trình Chính phủ phương án lệch giờ
>> Đồng thuận với phương án lệch giờ của Hà Nội
>> Hà Nội dự kiến áp dụng lệch giờ muộn nhất từ 1.1.2012
>> Bộ GTVT trình hai phương án lệch giờ lên Chính phủ
>> Đề xuất lệch giờ làm và giờ học của Bộ GTVT: Chỉ thí điểm và theo dõi phản hồi
>> Chưa vội điều chỉnh giờ học, giờ làm
>> Phụ huynh học sinh ngại đổi giờ làm, giờ học
>> Đề xuất cấm xe con giờ cao điểm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.