Ngày Giao thừa, chủ trường mong năm mới mở cửa lại: Khép cảnh vay nợ này đắp nợ kia

31/01/2022 13:01 GMT+7

Không có nguồn thu nhưng hằng tháng vẫn phải xoay tiền mặt bằng, tiền gốc ngân hàng, chủ trường có 2 cơ sở ở TP.HCM phải vay nợ này đắp nợ kia, nhiều ngày áp lực thức xuyên đêm, suy nghĩ đến bạc tóc vì nợ. Đó là hiện thực mà nhiều chủ trường phải đối mặt trong năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát.

Khi mà học sinh các cấp đi học trở lại, học sinh đến trường sau Tết nguyên đán thì các trường học sẽ mở cửa trở lại, và đó là hi vọng lớn nhất của các chủ trường tư thục.

Khép lại năm 2021 Tân Sửu - một năm với những diễn biến căng thẳng của dịch bệnh Covid-19. Riêng tại TP.HCM, nhiều nhóm ngành, nghề, người lao động bị ảnh hưởng. Không chỉ với những người làm thuê làm mướn, lao động tự do, mà ngay cả nhà giàu cũng khóc vì vay nợ.

Nhiều người ngạc nhiên khi thấy chủ trường mầm non chuyển sang làm bánh bán online

vũ phượng

Áp lực 90 triệu tiền mặt bằng mỗi tháng, cộng với gần 50 triệu tiền gốc cộng lãi ngân hàng trả góp cho số mượn nợ ban đầu, trường học đóng cửa chưa biết ngày mở lại, chị Nguyễn Hoàng Lăng Viên (chủ trường mầm non 2 cơ sở tại Q.12) nhiều đêm thức trắng, suy nghĩ đến bạc cả đầu. Để cầm cự, chị phải tiếp tục đi vay nợ này để đắp nợ kia.

Bạc đầu vì nợ

Hơn 7 tháng kể từ tháng 5.2021, trường mầm non ở TP.HCM đóng cửa để phòng dịch Covid-19 cũng là ngần đó thời gian thử thách gian nan nhất trong cuộc đời chị Viên. Mở cửa lau dọn lớp bụi đóng trên mấy chiếc xe đồ chơi ở sân trường, chốc chốc chị thở dài, trầm ngâm.

3 năm trước, chị mở trường mầm non tại Q.12 kiêm luôn hiệu trưởng, viết chương trình cho trẻ của trường. Cách dạy mới, phù hợp với nhu cầu của phụ huynh hiện đại, mất 1 năm chờ trẻ, trường học đi vào ổn định.

Khách hàng của chị Viên phần đông là phụ huynh trong trường

vũ phượng

Tháng 6.2020, chị vay ngân hàng và bạn bè tiếp tục thuê mặt bằng gần đó mở cơ sở 2, trường được cấp phép vào tháng 9.2020, hoạt động đến tháng 2.2021 tạm ngưng một thời gian ngắn vì dịch. Đón trẻ được hơn 3 tháng, giữa tháng 5, trường đóng cửa cho đến hôm nay, vẫn chưa biết ngày mở lại.

“Tôi vay 2 tỉ để đầu tư cho cơ sở 2, chỉ đón trẻ được vài tháng nhưng tiền mặt bằng phải chi trả là 2 năm. Tiền thuê nhà 2 cơ sở tổng cộng 90 triệu đồng/tháng, chủ nhà chưa nói giảm nhưng tôi xin đóng một nửa, nợ lại một nửa chờ trẻ quay lại trường sẽ trả sau. Không có luật nào bắt buộc người ta giảm giảm tiền nhà vì dịch hết, người ta không ráo riết đòi mình là mừng rồi. Không có thu, nhưng tiền ngân hàng vẫn phải trả đúng ngày đúng hạn, nhiều khi không biết ra sao ngày mai”, chị tâm sự.

Mỗi tháng 1 lần, chị Viên qua tự lau dọn cả 2 cơ sở

vũ phượng

Trải qua nhiều khó khăn trong những ngày đầu mở trường, qua được đợt dịch năm 2020, tưởng đâu bình yên sẽ đến để chị tập trung trả nợ. Nhưng đợt dịch vừa qua mới thật sự khiến cô chủ trường mầm non lao đao.

Cuối năm, chị tâm sự: “Tháng 7, dịch căng thẳng, tôi xác định không biết ngày nào mới mở lại được trường, mà tiền vẫn cứ phải trả. Tiền tiết kiệm dằn túi dần cạn kiệt, tôi vay thêm bạn bè 1 tỉ để hằng tháng có tiền lo liệu các khoản chi. Đêm đến đặt lưng xuống là những con số nợ cứ nhảy múa trong đầu, 7 ngày liên tiếp tôi thức đêm tới sáng, tóc bạc hết phần đỉnh đầu phải nhuộm lại. Những ngày đó, tôi còn nghĩ đến việc sang trường. Nhưng rồi qua trường dọn dẹp, nhìn từng ngóc ngách đều là tâm huyết, sự trau chuốt của mình, tôi quyết tâm phải giữ trường bằng mọi giá”.

Từng ngóc ngách trong trường đều là tâm huyết, là động lực giúp chị tiếp tục cầm cự

vũ phượng

Trước kia, chị Viên làm giáo viên phổ thông, chồng làm ngân hàng thu nhập ổn định. 10 năm trước, chị mở một cơ sở mầm non nhỏ tại Q.Gò Vấp. Nhưng thành công nhất và để được tiếng vang nhất phải kể đến 2 cơ sở mầm non hiện nay tại Q.12.

Chị cho biết, trường có tổng cộng 50 nhân viên, giáo viên. Đợt dịch vừa rồi gồng gánh nợ nhiều, chị không thể hỗ trợ được nhân viên, giáo viên của trường. Dù vậy, đến giờ phút này vẫn chưa một ai xin nghỉ, ngược lại, mọi người còn động viên chị cố gắng giữ trường chờ ngày hội ngộ.

Bán rau, làm bánh chờ ngày trở lại

Trong đợt dịch 2020, chị Viên cùng một số giáo viên ở trường lấy trái cây ở Đắk Lắk về bán ngay trong sân trường cho người dân xung quanh và phụ huynh của trường. Dịch năm nay, một số cô ở lại tiếp tục cùng chị Viên lấy rau của một đồng nghiệp khác từ Đà Lạt về bán. Sân trường làm điểm tập kết rau, phụ huynh ủng hộ nhiệt tình. Số tiền lời từ bán rau, các cô mua thêm rau phát cho các dãy trọ xung quanh.

Mỗi ngày, tiền lời từ làm bánh khoảng 300.000 đồng, chưa thấm vào đâu so với số tiền vay nợ phải trả hằng tháng

vũ phượng

Khi TP.HCM bình thường trở lại, cô chủ trường kiêm hiệu trưởng chuyển sang làm bánh ngọt bán online cho bạn bè, phụ huynh trong trường. Chị cho hay, bán bánh không lời nhiều nhưng mục đích xa hơn là để quản lý bếp tốt hơn và làm bánh cho các bé trong trường.

Ngay thời điểm khó khăn nhất, chị Viên đã viết thư ngỏ cho phụ huynh nhờ hỗ trợ trường bằng cách đóng trước 6 hoặc 12 tháng học phí. “Với chi phí này tôi có thể lo được mặt bằng, lo cho các cô về quê ăn Tết luôn nhưng tôi vẫn phân vân, thu tiền trước sẽ có nhiều bất cập. Do đó, dù phụ huynh đồng ý với thư ngỏ rồi nhưng tôi vẫn chưa quyết làm vì sợ ảnh hưởng đến cả quá trình gầy dựng trường. Còn cầm cự được tôi sẽ ráng dốc hết sức”, chị bộc bạch.

Đi lên từ khó khăn, tự lập, tất cả vốn liếng, tài sản bỏ hết vào 2 cơ sở mầm non, chị Viên xác định mất là mất hết. Sau thời gian mệt mỏi, trong đầu chỉ nghĩ đến cách xoay tiền cầm cự, đến nay, suy nghĩ của chị mới nhẹ nhàng hơn đôi chút vì luôn có những người sẵn sàng giúp đỡ.

Nhìn khu trò chơi của trẻ ám bụi, chị Viên lại thoáng buồn, mong sớm được đón trẻ quay lại trường

vũ phượng

“Đến bây giờ, tôi thấy mình là dân tỉnh lên TP mà không phải bỏ chạy khỏi TP.HCM mùa dịch là tốt lắm rồi. Thời điểm dịch căng thẳng cũng đã qua, chặng đường còn lại không lẽ gì mình lại buông. Nghĩ lại, tôi cũng không biết mình đã giữ trường bằng cách nào khi đủ khoản tiền phải chi: từ tiền mặt bằng, tiền đầu tư cho đến tiền vay mua nhà của mình nữa. Mỗi tháng tôi tự sang lau dọn trường, chờ ngày được đón trẻ trở lại”, chị cười trừ, nhẩm tính lại số tiền vay nợ, rồi lại trầm ngâm nhìn lớp bụi dày đóng trên số đồ chơi nhiều sắc màu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.