Xem chó, mèo như con của mình
Mở cánh cổng ghép từ hai miếng tôn, chị Phượng da sạm đen, từng bước đi chắc nịch ra con đường đất phía trước mời khách vào nhà. 8 tháng gặp lại bà chủ quán hủ tiếu vỡ nợ đi chạy xe ôm công nghệ, tôi suýt không nhận ra người quen cũ. Không còn phấn son trên gương mặt, nước hoa thơm nức mũi, nữ tài xế đứng trước mặt tôi nay mặc đồ bộ đơn giản, quần ống thấp ống cao, vừa lùa đàn chó vừa cười: “Cưng bất ngờ hông? Chị soi gương còn không nhận ra mình nữa mà”.
Với chị Phượng, được làm những điều mình thích mới là cuộc sống hạnh phúc |
Vũ Phượng |
Ngày vỡ nợ quán hủ tiếu, chị Phượng ôm 3 con chó đến trạm cứu hộ động vật gửi, đi chạy xe ôm công nghệ. Khoảng thời gian này, vợ chồng cũng mỗi người một nơi vì trục trặc tình cảm. Trong những ngày chạy xe miệt mài kiếm tiền trả nợ, chị thường ghé trạm cứu hộ thăm lại 3 con chó của mình.
“Mỗi lần thăm là một lần thương hơn, dặn dò con chờ mẹ làm ăn khá chút rồi mẹ đón con về ở với mẹ. Tháng 5.2021 tôi đi đám tang một đồng nghiệp trẻ, thấy cuộc sống mải miết kiếm tiền cũng chẳng được gì mà nặng đầu óc, nên tôi gọi ông xã tìm nhà trọ, đón 3 con chó về nuôi, vợ chồng quay lại với nhau, bỏ qua những trục trặc cũ”, chị Phượng chia sẻ.
Trạm cưu mang chó mèo của nữ tài xế công nghệ xinh đẹp |
Trong lúc nghỉ chân chờ đơn, lướt mạng thấy có bài đăng nhờ giải cứu chó, mèo bị tai nạn, bị bỏ rơi, chị lại tắt app để chạy đi cứu. Từ 3 con chó ban đầu, lên 5 con, 10 con rồi tới 20 con, hàng xóm góp ý về việc nuôi nhiều chó mèo có mùi, vợ chồng chị tìm nhà trọ khác để chuyển đi, nhưng tiếp tục bị hàng xóm ý kiến lên chính quyền nên lại phải chuyển thêm một lần nữa mới đến khu đất ruộng bên bờ sông Vàm Thuật này (H.Hóc Môn, TP.HCM).
Chị bộc bạch: “Tôi chạy xe ôm công nghệ, chồng làm thợ điện hạn chế về kinh tế, đáng lẽ ra tôi không cứu nhiều như vậy, nhưng mùa dịch thấy chịu không nổi”.
Anh Ngô Trung Hiếu (39 tuổi, chồng chị Phượng) từng... không yêu chó, mèo. Anh kể nhiều lần đi nhậu, anh cầm đùi chó ăn là bình thường. Có lần anh vô tình đá con chó trong nhà chảy máu mõm, nhưng khi anh đi đâu về nó vẫn chạy ra mừng rỡ, vẫy đuôi quấn quýt khiến anh day dứt, dần dà có tình cảm và bỏ hẳn thịt chó.
Chị Phượng đang cưu mang khoảng 100 con chó và 50 con mèo |
Duyên nợ
Thấy tôi hỏi thăm đường vào trạm cứu hộ chó, mèo của chị Phượng, một người đàn ông cách nhà chị chừng 500 m nói: “Thấy chị ấy cứu hộ nhiều chó mèo, tôi qua hỏi mua một con về nuôi mà chị nhất quyết không bán, chị nói chị chăm hết”.
Vừa chia phần cơm trộn thịt ra khay cho đàn chó, nữ tài xế chia sẻ: “Trước đây, tôi ra đường lúc nào cũng thơm tho, son phấn đồ, cuộc sống thoải mái lắm, thích thì chạy, không thì tắt app ngồi cà phê. Giờ mở mắt ra là dọn dẹp, vệ sinh, cơm nước, chó mèo ngày ăn 2 bữa chứ mình thì chỉ có 1 bữa thôi. Cực mà vui”.
Chỉ vào vết trầy còn đang đóng vẩy, mưng mủ ở trán và đầu gối của mình và vết trầy dài trên mặt chồng, chị Phượng cho biết đây là những vết thương do vợ chồng chị té xe khi đi cứu hộ một con chó bị tai nạn lúc nửa đêm. Nhiều vết sẹo khác trên tay là do những con chó vừa đón về chưa làm thân được còn cào, cắn.
Trước khi chuyển qua khu đất này, chị Phượng đã phải vay tín dụng 43 triệu đồng để đặt cọc, sửa sang khu đất. Mỗi ngày, đàn chó ăn hết 30 kg gạo; gần 30 kg thịt, trộn lẫn vào cơm kèm rau củ sau khi sơ chế. Chung tay góp sức cùng vợ chồng chị Phượng còn có nhiều nhà hảo tâm, những người yêu thương chó mèo trên khắp cả nước.
Chị tâm sự: “Có những người nhắn tin nói tôi là chạy xe ôm công nghệ hết thời nên đi giành giật giải cứu chó mèo hoặc nói tôi ăn trên thân xác chó mèo, nhiều lúc cũng bực nhưng bù lại có nhiều người đồng hành, động viên”. Anh Hiếu cũng nhận xét, chăm bầy chó anh nhận ra nhiều con tính cách khác nhau nhưng độ trung thành thì con nào cũng giống nhau. Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo UBND xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn cho biết thời gian qua, địa phương chưa nhận phản ánh nào về việc gia đình cứu hộ chó, mèo gây ảnh hưởng, phiền hà đến bà con hàng xóm.
Bình luận (0)