Đám giỗ buồn năm ngoái
Cách giỗ một tuần, anh điện mời anh em bà con họ hàng, nhỏ thì dạ dạ, lớn thì ừ ừ, có vẻ gì đó không “mặn” lắm.
Chị chê anh yếu bóng vía, hay lo vớ vẩn. Bà con ai có điều kiện thì đi, không thì thôi. Mình giỗ mẹ đàng hoàng chứ bỏ bê đâu mà sợ người ta dị nghị.
Vợ trấn an mà anh vẫn áy náy. Anh em trong cơ quan đến dự là một lẽ. Nhưng nếu bà con dưới quê không lên thì đám giỗ khác nào đám... nhậu.
Điều lo lắng của anh không phải vẩn vơ. Đúng ngày giỗ, chỉ có ông cậu đã gần 70 tuổi, là em của mẹ, từ quê lụm cụm lên với một bọc lá chuối đựng mấy miếng chả cá. Cậu nói bận đồng áng nên ai cũng xin kiếu.
Càng buồn hơn khi cô em dâu điện kể: “Em năn nỉ ông xã lên phố ăn giỗ mẹ. Ổng trợn mắt nói không, dưa muối gì cũng cúng ở nhà. Một đời mẹ chỉ quanh quẩn đồng làng. Cúng trên phố làm sao mẹ biết đường mà đi”. Anh bực mà không dám rầy thằng em.
Bàn thờ mẹ đầy ắp hoa quả, bánh trái, bia rượu. Cậu thắp nhang khấn chị: “Em mỗi năm một yếu, viếng chị lần này thôi. Sang năm vắng em, chị thông cảm”. Anh nghe mà xót cả lòng, thấy mình xuôi theo ý vợ, làm giỗ mẹ trên phố là không ổn.
Cậu được bố trí ngồi với những người “vai vế”. Anh giới thiệu cậu. Một vài người liếc sơ, nói “thế à” rồi hỉ hả ăn uống. Họ tranh nhau hét toàn chuyện “vĩ mô”, “tái cấu trúc”, “lỗi hệ thống”, “hiệu ứng nhà kính”, “quy hoạch đô thị”… khiến cậu nhức cả đầu. Có người nói mấy ông hễ ngồi cơ quan thì bàn chuyện nhậu. Trong mâm nhậu thì tán chuyện cơ quan. Sao không hỏi thăm cậu một lời, mời cậu một ly? Ba bốn người đồng thanh nói “đúng đúng”, nhìn sang chỗ cậu nhưng chỗ ấy đã trống không. Anh xuống bếp hỏi chị, chị nói cậu nằng nặc đòi về kẻo trễ chuyến xe chiều.
Đem giỗ về quê
Khuya hôm ấy anh say nhưng nói rất tỉnh: “Năm tới, anh quyết định về quê cùng chú thím nó làm giỗ mẹ, em không đi thì... tùy”. Chị cười, nói tuân lệnh ông xã. Ý kiến tuy... le lói nhưng có chút ánh sáng. Đàn ông - cái nóc nhà - phải biết lệnh để cồng bà đỡ khua chứ.
Giỗ ở quê mộc mạc mà vui. Bà con cô bác có mặt đủ cả. Dưới bếp mấy chị nấu nướng, chuyện trò râm ran. Nhà trên, mấy anh bàn chuyện làng chuyện xóm. Cúng xong, cỗ dọn ra tới ngoài thềm. Cả cái chõng tre ngồi mát dưới hàng hiên cũng thành bàn cỗ. Ghế thì cái trồi cái sụt nhưng chẳng ai câu nệ gì.
Chuyện trong bữa giỗ thắm thiết tình nghĩa họ hàng. Được một lát thì chuyển sang “kênh” trời ơi đất hỡi: Dâu bà nọ bỏ về nhà mẹ ruột vì chồng nhậu xong không tắm, mình mẩy hôi rình, ngã oạch lên giường ngáy ầm ầm tới sáng. Một bà góa cho ông HTX bỡn cợt để... giảm thuế nông nghiệp. Ông kia đi canh dưa hấu nhưng suốt đêm “canh nhầm” đám mía cùng một chị ở thôn bên. Chuyện nào cũng được bình rôm rả, cười ngả nghiêng.
Vui nhất là hai đứa nhỏ ở phố về, suốt ngày “ăn giỗ” ngoài vườn. Chúng say mê đuổi bắt chuồn chuồn, lấy cây khoèo từng chùm khế ngọt. Tuổi thơ của chúng tắm đầy bóng lá trong vườn nhà nội. Chỉ mấy ngày mà da dẻ hai chị em bắt nắng ngả màu bồ quân trông “sương gió” lắm. Hôm lên xe về phố, con bé khoe với má rằng đã biết thế nào là con dế, thế nào là cây mãng cầu. Thằng cu thì cứ đòi “tuần sau lại về giỗ nội nghen ba”.
Trần Cao Duyên
>> Nghi án trong đám giỗ
>> Ngọt mát canh khổ qua
>> Những ông chồng cá biệt
Bình luận (0)