Chưa thể phủ sóng với vùng quê
Trước đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN), Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đã chính thức chọn ngày 16.6 hàng năm là Ngày không tiền mặt. Trong ngày này các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch. Theo khảo sát của Thanh Niên, nhiều ngân hàng, siêu thị đã tổ chức các chương trình ưu đãi nhắm đến khách hàng.
Napas thông báo, từ 16.6 đến hết ngày 30.6, các giao dịch thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa qua POS của 36 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình "Ngày không tiền mặt với thẻ ghi nợ nội địa Napas" sẽ có cơ hội được tặng phiếu quà tặng du lịch nghỉ dưỡng trong nước trị giá 25 triệu đồng. Ngân hàng VPBank, Sacombank, HDBank... miễn phí mở thẻ, phí thường niên cho khách hàng. Các siêu thị như Vinmart, Saigon Coop cũng tặng voucher, khuyến mại thêm sản phẩm nếu khách hàng sử dụng thẻ, ví điện tử… để mua hàng.
Để người dân từ bỏ thói quen dùng tiền mặt, trong thời gian qua, một loạt sản phẩm công nghệ đã ra đời từ ví điện tử, tiền kỹ thuật số, ngân hàng số, thẻ tín dụng, ATM… Theo số liệu từ NHNN vừa công bố, đến 31.3.2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018, với tổng giá trị giao dịch tăng 18,82% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỉ đồng (tăng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018). Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỉ đồng (tăng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018). Các ngân hàng đã đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, đẩy mạnh các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi.
|
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam đánh giá, thực tế đến thời điểm hiện nay việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Có tới 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.“Những số liệu này cho thấy, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới mục tiêu năm 2020, tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán là 1 mục tiêu nhiều thách thức”, ông Nam chia sẻ.
Ông Phạm Tiến Nam cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển ở khu vực nông nghiệp, nông thôn là do ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại.
Lo ngại bảo mật
Từ kinh nghiệm hoạt động của một doanh nghiệp thương mại điện tử, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee cũng nhận định, lý do không chỉ đơn giản là thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt. Vị giám đốc này cho rằng, việc kích hoạt sử dụng cách thanh toán không dùng tiền mặt vẫn là bất tiện đối với người tiêu dùng trong khi số tiền thanh toán cho mỗi đơn hàng có trị giá không cao, thường chỉ vài trăm ngàn đồng.
Luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc Công ty Luật BASICO) cho rằng, việc sử dụng thẻ tín dụng mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng người dân vẫn chưa thật sự “mặn mà” với hình thức thanh toán này. Bởi những năm gần đây, tình trạng mất tiền trong tài khoản ATM xảy ra liên tục. Đây cũng chính là “vùng trũng” trong thanh toán thẻ. Để khuyến khích được người dân bỏ tiền mặt, thì các sản phẩm tiền kỹ thuật số, thẻ ngân hàng, ví điện tử… phải đảm bảo được tính an toàn, người dân phải được bảo vệ quyền lợi khi xảy ra sự cố.
Bình luận (0)