Ngày lễ tình nhân 14.2, đi tìm những con vật biểu tượng cho tình yêu

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
14/02/2022 09:19 GMT+7

Trong ngày lễ tình nhân (14.2) người ta thường nhắc đến những biểu tượng của tình yêu như trái táo, đàn hạc, nhẫn Claddagh, lá phong… nhưng trên thế giới có những loài vật có thể xem là biểu tượng của tình yêu, tình vợ chồng.

Những biểu tượng của tình yêu trên thế giới được mọi người biết đến nhiều là trái táo, đàn hạc, nhẫn Claddagh, lá phong, thần Cupid, đá thạch anh hồng, hoa nhài trắng, nút dây hình trái tim, hoa hồng đỏ hay cỏ ba lá…, còn ở loài vật thì cũng không thiếu.

Một cặp vịt uyên ương

Wikipedia

Chim tình yêu, còn gọi là vẹt hay két mẫu đơn

biologydictionary.net

Trước hết, đó là chim tình yêu, một loại chim vẹt (két mẫu đơn) thuộc chi agapornis, người Anh gọi là lovebird, Trung Quốc gọi là tình lữ anh vũ. Loài chim này là có nguồn gốc từ lục địa châu Phi, ngày nay phân bố nhiều nơi trên thế giới. Chúng dài 13 -17 cm, cao 17 cm, nặng 40 – 60 g, có thân hình chắc nịch, đuôi ngắn, còn mỏ thì tương đối lớn, sắc nhọn.

Trong hoang dã chúng có nhiều màu khác nhau, chủ yếu là màu xanh lá. Cái tên chim tình yêu xuất phát từ việc loài chim này thường đi đôi với nhau.

Thứ hai là vịt uyên ương (aix galericulata), phân bố chủ yếu ở Đông Á. Con trống được gọi là “uyên”, con mái là “ương”. Chúng dài 41 - 49 cm, sải cánh 65 - 75 cm. Khởi thủy vịt uyên ương phân bố ở Nhật Bản, về sau sinh sản ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Vịt uyên ương có sự tương phản màu lông rất rõ, con trống nhiều màu sặc sỡ, con mái màu xám xỉn.

Đặc điểm thú vị nhất của loài này là chúng “chi tắc tương ngẫu, phi tắc thành song” (ghép đôi khi bay, thành đôi khi bay). Từ ngàn đời nay, vịt uyên ương luôn là biểu tượng đẹp của tình nghĩa vợ chồng, là hiện thân của tình yêu trong sáng, bền vững.

Nguồn gốc của thành ngữ “dính như sam”?

Thứ ba là con sam (tachypleus tridentatus) còn gọi là sam đuôi tam giác. Loài này phân bố ở các vùng biển thuộc khu vực Đông Á, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Thành ngữ “dính như sam” đã cho thấy sự liên kết của loài này, vì chúng bao giờ cũng đi theo cặp, con đực nằm trên lưng con cái và chỉ nhỏ bằng phân nửa bạn tình, chúng luôn quấn quýt bên nhau.

Thứ tư là thiên nga trắng (cygnus olor), thành viên của họ chim nước anatidae. Chúng có nguồn gốc ở châu Âu, du nhập vào Bắc Mỹ, Australasia và châu Phi. Loài thiên nga này dài từ 125 đến 170 cm, lông trắng, mỏ màu cam viền đen. Thiên nga trắng là biểu tượng quen thuộc của tình yêu, gắn liền với các nữ thần tình yêu của người La Mã và Hy Lạp cổ đại. Hình ảnh mà người ta thường thấy ở chúng là hai bạn tình chạm mỏ vào nhau, cổ tạo hình trái tim.

Loài sam Nhật

esearchgate.net

Thứ năm là chim bồ câu, thuộc họ columbidae. Chúng có 344 loài được chia thành 50 chi, một số loài đã tuyệt chủng. Chúng là loài chim mập mạp, có cổ ngắn, mỏ dài mảnh khảnh. Vào thời Lưỡng Hà cổ đại, chim bồ câu là biểu tượng động vật nổi bật của Inanna-Ishtar - nữ thần tình yêu, tình dục và chiến tranh.

Ngày nay, ngoài biểu tượng cho hòa bình, khi kết đôi, hai con chim bồ câu cùng nhau miêu tả một tình yêu vĩnh cửu. Chúng giao phối suốt cuộc đời với nhau, do đó, chúng tượng trưng cho sự chung thủy. Theo thần thoại La Mã và Hy Lạp, chim bồ câu là loài vật linh thiêng. Có rất nhiều hình ảnh khác nhau của các nữ thần với những con chim bồ câu bay xung quanh họ.

Thứ sáu là vỏ sò biển, những vật này là biểu tượng của tình yêu ở Hy Lạp, La Mã và Ấn Độ thời cổ đại. Tất cả các nữ thần tình yêu của ba nền văn hóa Aphrodite, Venus và Lakshmi đều có liên quan đến vỏ sò. Sự cứng cáp của vỏ sò biển tượng trưng cho sự che chở trong một mối quan hệ lãng mạn.

Thiên nga trắng (trái) và chim bồ câu

i.pinimg.com, seattlewhitedove.com

Vỏ sò biển (trái) và bọ rùa

media.sciencephoto.com, markeisingbirding.com

Và cuối cùng là bọ rùa (ladybird), ngạc nhiên chưa, loài bọ rùa (hay cánh cam) này cũng là biểu tượng của tình yêu đấy. Tuy nhiên có hơn 6.000 loài bọ rùa khác nhau trên thế giới, không phải loài nào cũng liên quan đến ái tình. Trong nhiều nền văn hóa, bọ rùa tượng trưng cho may mắn, có khá nhiều bài đồng dao đã nhắc đến chúng.

Trong các khu vực Cơ đốc giáo, biểu tượng của tình yêu như bọ rùa thường được gắn với Đức mẹ Đồng trinh Maria. Trong một số nền văn hóa ở châu Á, người ta tin rằng nếu một con bọ rùa bị bắt được thả ra, nó sẽ bay đến tình yêu của cuộc đời bạn và thì thầm tên bạn với tình yêu. Sau khi nghe tên bạn, tình yêu đích thực sẽ đến với bạn.

Hàu hình trái tim độc đáo chỉ dành cho lễ tình nhân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.