Ngày mai 8.12 bắt đầu xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền

07/12/2022 09:28 GMT+7

Dự kiến, TAND TP.HCM sẽ đưa vụ án Công ty Alibaba lừa đảo, 'rửa tiền' ra xét xử sơ thẩm từ ngày mai 8.12 đến ngày 6.1.2023. Tòa cũng đã gửi thông báo đến gần 4.000 bị hại.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện), Nguyễn Thái Lực (31 tuổi, em trai của Luyện và Lĩnh) và Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) cùng 18 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài tội danh trên, 2 bị cáo Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực còn bị đưa ra xét xử thêm về tội “rửa tiền”. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán Công ty địa ốc Alibaba) bị đưa ra xét xử về tội “rửa tiền”.

Phiên tòa do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa. Đại diện Viện KSND TP.HCM có 3 kiểm sát viên, gồm: bà Lê Thị Đông, ông Phạm Văn Hiền và ông Châu Hoàng Sơn.

Bị hại của Công ty Alibaba cần lưu ý gì trước phiên xử?

Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền thế nào ?

Theo cáo trạng, Công ty Alibaba được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ 1 tỉ đồng; thay đổi lần thứ 3 với vào năm 2017 với vốn điều lệ 1.700 tỉ đồng. Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, hoạt động ở các lĩnh vực: bất động sản, truyền thông, vận tải… cho người thân, nhân viên thân tín đứng tên.

Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo người thân, nhân viên đứng tên nhận chuyển nhượng số lượng lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận

Những cá nhân này sẽ lập hợp đồng ủy quyền cho các công ty mà Luyện thành lập, để vẽ các dự án "ma" trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định; dùng truyền thông để quảng cáo bán dự án.

Nguyễn Thái Luyện (áo trắng) khi chưa bị bắt

NGUYỄN LONG

Để thu hút khách hàng, Luyện cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Với phương thức này, khi đến hạn, hầu hết khách hàng đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết. Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Tổng cộng, Luyện và đồng phạm đã thành lập 22 công ty, vẽ ra 58 dự án không có thật; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, lừa bán cho hàng nghìn người, chiếm đoạt số tiền 2.260 tỉ đồng.

Khám xét Công ty CP địa ốc Alibaba trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án

T.N

Về hành vi rửa tiền của 3 bị cáo Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực và Huỳnh Thị Kim Thắng, cáo trạng thể hiện, ngày 21.11.2018, Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh nộp 50 tỉ đồng vào tài khoản của Lực và chỉ đạo Lực rút, mở sổ tiết kiệm. Số tiền này là tiền khách hàng thanh toán mua đất tại Công ty địa ốc Alibaba.

Sau đó, Mai chỉ đạo Lực rút 31 tỉ đồng để mở sổ tiết kiệm cho Thắng đứng tên và chỉ đạo Thắng rút 18 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm để mua 2 căn nhà tại tỉnh Đồng Nai; còn lại 13 tỉ đồng vẫn giữ trong sổ tiết kiệm.

Sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án Công ty Alibaba lừa đảo dự án “ma”, thi hành lệnh bắt bị can và khám xét vào các ngày 18.9.2019 và 19.9.2019, Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi (hơn 13,9 tỉ đồng) vào tài khoản do Mai đứng tên.

Sau đó, Mai chuyển 13 tỉ đồng vào tài khoản của Lực, rồi chỉ đạo Lực rút ra và giao lại cho Mai để tiêu xài cá nhân và trả nợ. Cả 3 đều thừa nhận biết đó là tiền bất hợp pháp, do Luyện lừa đảo mà có.

Cũng theo cáo trạng, trong vụ Công ty Alibaba "lừa đảo", "rửa tiền", CQĐT đã tạm giữ tổng cộng hơn 9,2 tỉ đồng tiền mặt; 272 miếng kim loại màu vàng; 20 thỏi kim loại màu vàng trọng lượng hơn 7,3 kg; phong tỏa hơn 45 tỉ đồng trong các tài khoản của 49 cá nhân và pháp nhân thuộc Công ty Alibaba... Kê biên 650 thửa đất theo kết luận định giá hơn 1.536 tỉ đồng.

Gần 5.000 người tham gia tố tụng

Đây là vụ án với hồ sơ khoảng 1 triệu bút lục; tính riêng cáo trạng vụ án và phụ lục được diễn giải 500 trang; cơ quan tố tụng đã phải sử dụng 2 xe tải để chở hồ sơ.

Có gần 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó, 3.980 bị hại và 100 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Hơn 40 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Để phục vụ cho phiên xét xử, TAND TP.HCM đã dựng rạp, chuẩn bị quạt, ghế và lắp loa, một màn hình lớn ở sân tòa.

Từ trái qua: Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực

T.N.

Do số lượng bị hại đặc biệt lớn, để đảm bảo các đương sự được tham gia trình bày ý kiến tại phiên tòa, TAND TP.HCM đã có thông báo về thời gian tham gia phiên tòa.

TAND TP.HCM đề nghị các bị hại lên phiên tòa theo đúng dự án và thời gian cụ thể. Khi đi mang theo phiếu thu, hợp đồng chuyển nhượng và giấy tờ tùy thân. Các bị hại trong 58 dự án sẽ tham gia xét hỏi dự kiến từ ngày 13 - 21.12.2022.

TAND TP.HCM đã dựng rạp, lắp màn hình lớn ở sân tòa để phục vụ phiên xét xử

SONG MAI

Diễn biến phiên xét xử sẽ được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng. TAND TP.HCM đề nghị các bị hại đến phiên tòa theo đúng dự án và thời quan quy định. Trường hợp không thực hiện đúng thông báo sẽ không được tham gia phiên tòa.

Trước đó, ngày 22.11, TAND TP.HCM có thông báo về thời gian đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp các đương sự không thể có mặt theo đúng thời gian, địa điểm xét xử, đề nghị gửi văn bản xin xét xử vắng mặt và nêu rõ yêu cầu cần giải quyết cho tòa án.

Trường hợp có ý kiến khác thì đề nghị liên lạc cho thư ký Lý Lê Trọng Nghĩa (0565.383.902); thư ký Nguyễn Thị Oanh (0938.634.959); thư ký Hồ Ngọc Trường (0967.582.808); thư ký Lê Trọng Hưng (0988.785.678).

Thông báo này thay cho giấy triệu tập và được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử TAND TP.HCM (xem thông báo tại đây).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.