Ngày mai, chuyên gia Nhật Bản sẽ đến hiện trường vụ sập hầm thủy điện

19/12/2014 15:30 GMT+7

(TNO) Theo Bộ Xây dựng, chuyên gia của Nhật Bản sẽ đến hiện trường vụ sập hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) để nắm tình hình, hỗ trợ công tác cứu hộ.

(TNO) Dù nhận định phương án cứu hộ đang triển khai mang lại nhiều hy vọng nhưng Bộ Xây dựng cho biết, phương án dự phòng là nhờ các đơn vị cứu hộ Nhật Bản vẫn được chuẩn bị rốt ráo. Ngày mai 20.12, chuyên gia của Nhật Bản sẽ đến hiện trường vụ sập hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).

sap-ham-thuy-dienLực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục duy trì mũi khoan ở cửa xả - Ảnh: Độc Lập
Trao đổi với Thanh Niên Online, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, theo tình hình hiện nay, khả năng cao sẽ không phải nhờ sự trợ giúp của phía Nhật Bản do các phương án triển khai cứu hộ 12 công nhân bị kẹt trong hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo đang rất khả thi.
Tuy nhiên, tất cả phải chờ đợi, qua đêm nay đến sáng mai xem diễn biến mới của công tác cứu hộ như thế nào. “Nếu có trục trặc của phương án hiện tại thì đơn vị phía Nhật Bản sẽ lập tức tham gia ứng cứu. Hiện, hồ sơ vụ việc đã chuyển cho đơn vị này nghiên cứu. Diễn biến ứng cứu họ cũng thường xuyên cập nhật để nắm. Ngày mai, chuyên gia của họ cũng sẽ đến hiện trường”, Thứ trưởng Hùng cho biết.
Về thông tin của các đơn vị phía Nhật Bản, ông Hùng chưa tiết lộ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm, các đơn vị phía Nhật Bản là một số công ty chuyên về khoan ngầm, có chuyên môn rất tốt. Việc có sử dụng phương án dự phòng là các đơn vị khoan ngầm Nhật Bản hay không còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể của công tác cứu nạn tại hiện trường.
“Tôi vừa kết thúc chuyến công tác tại một số tỉnh miền Nam và đang tức tốc trở lại hiện trường vụ sập hầm ở Lâm Đồng. Khoảng 20 giờ tối nay, tôi sẽ đến nơi xem xét cụ thể tình hình cứu nạn và đưa ra phương án khả thi nhất”, ông Trịnh Đình Dũng nói.
Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng cho biết, đến 15 giờ chiều nay 19.12, lực lượng công binh đã khoan được 14 mét ở nhánh đường hầm phụ tiếp cận đến các nạn nhân đang mắt kẹt. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định điều gì, bởi nếu gặp phải đá tảng, công binh phải mất vài tiếng đồng hồ mới xử lý xong.
Trong vụ tai nạn này, Bộ Quốc phòng đã điều động những lính công binh giỏi nhất về nghiệp vụ, dạn dày kinh nghiệm ứng cứu sự cố đường hầm ở Lữ đoàn 239, Tiểu đoàn 93 thuộc Bộ tư lệnh Công binh và lực lượng công binh của Quân khu 7, cùng hàng trăm phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn.
“Công việc đào hầm đang được các tốp công binh luân phiên làm việc liên tục với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất, để sớm tiếp cận vị trí các nạn nhân, đưa họ ra ngoài”, đại tá Tỵ cho biết.
Đại tá Phạm Văn Tỵ bác bỏ thông tin cho rằng các nạn nhân mắc kẹt đang phải chịu lạnh gây hoang mang dư luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.