Người miền Nam có một món canh chua thượng hạng nấu bằng lá me non. Ít người Sài Gòn bây giờ hân hạnh được ăn món canh chua này, bởi đâu có siêu thị hay nhiều chợ bán lá me non, hơn nữa lá me non cũng chỉ có vào một thời điểm nhất định. Một món canh kiểu nhà nghèo mà trở thành thứ quí hiếm là vậy.
>> Hồn vía cà phê Sài Gòn: Từ cà phê cóc, sân vườn đến cà phê sạch
>> Thú ăn bánh mì không của người Sài Gòn
|
Sau cả mấy tháng nắng đến ngộp thở, Sài Gòn những ngày đầu mùa mưa chuyển mình khoác màu lá xanh non. Trong lòng cây lá đầu mùa dịu dàng một màu xanh mướt ấy, lá me non xanh như một dòng sông đưa thị dân về bến bờ những món ăn dân dã đậm đà hương vị đất trời miền Nam.
Chúng tôi phóng xe gắn máy chạy về hướng cầu Ông Thìn (*), chạy xe gần hai mươi cây số, vì theo lời mách bảo của bạn bè là ở đó có bán lá me non. Trong thời tiết này, chúng tôi lại có dịp cảm nhận rõ ràng, không đâu như ở miền Nam, khoảng thời gian giao mùa từ mùa nắng sang mùa mưa, tuy ngắn ngủi nhưng giàu cảm xúc vô cùng.
Trong vùng cảm xúc về đất về người, cùng những kỷ niệm thời cuộc và số phận con người vui buồn lẫn lộn, bất giác ai cũng nhớ đến một món ăn đậm đà nào đó đã được bà, má, chị... nấu cho ăn từ nguồn thực phẩm của đồng đất miền Nam dưới dòng nước mát mưa đầu mùa.
Cái chợ nhỏ nằm gần chân cầu Ông Thìn này chỉ họp vào buổi chiều. Cá đồng, rau ruộng ở đây là thứ người trong vùng tự trồng, tự đánh bắt trong ngày nên rất tươi ngon, kiểu chợ này không có một đặc điểm gì khác ngoài chuyện giá rẻ và muốn mua nhiều cũng không có. Chúng tôi tìm thấy vài mớ lá me được bán, hỏi giá người ta cho biết là “mắc lắm nghe, mua được thì mua không ép.”
Thật ra, nếu người không hiểu thì cái thứ tầm thường gần như nhà nào ở quê cũng có như lá me non thì giá 6 ngàn 100gr là mắc, nhưng nếu biết chuyện thì đâu phải dễ hái được một nắm lá me non, huống gì là hái cả ký lô đem đi bán. Chỉ người nghèo mạt vận không đất, không ruộng, không nghề mới bỏ công đi tuốt từng đọt lá me non, nếu tuốt phải lá già thì phải lựa ra bỏ, nếu tuốt chậm thì lá me sẽ già, nếu tuốt sớm thì để cách ngày là héo queo, bán cho ai.
Canh chua lá me thường được người dân quê nấu với tép rong, cua rạm, cá sặc nhỏ, cá lóc càu cửng, nói chung là nấu với tất cả những loại cua cá nước ngọt, nước lợ đánh bắt được trong ngày. Nếu ai rảnh thì hái thêm ít rau nhút, rau muống hoặc sang hơn là chặt một khúc thân cây chuối, nhất là chuối hột, về xắt ra thành miếng. Nhưng thiệt tình một nồi canh chua lá me chỉ cần lá me với tép rong là đủ.
|
Nồi canh chua lá me sôi lên, có mùi chua thơm lừng cả nhà, nếm thử sẽ thấy vị chua thanh vô cùng. Dám cá là trong tất cả các vị chua từ đồng bằng cho tới rừng, từ me trái, lá vang, cơm mẻ... không thể có vị chua nào thanh đầu lưỡi như lá me non, chỉ có nồi canh chua lá me non mới có màu trắng đục như sương sáng, lại có cả màu vàng lá me nấu chín như màu đồng lúa buổi xế chiều.
Tôi và người bạn cùng đi, mua cả ký lô lá me non, dù biết rằng chỉ cần một nắm lá me là đủ nồi canh. Nếu gọi là mua nhiều lá me non để biếu bạn bè, không khéo người ta lại cười cho, ai đâu đi biếu lá me, ai đâu lại gợi ý cho người ta ăn món ăn đơn giản của dân quê nghèo trong thời buổi ai cũng sính thứ cao lương mỹ vị ở tầm toàn cầu.
Vậy đó, những món ăn cơm bình thường mà người miền Nam xưa tìm thấy từ những sản vật ngay trong sân nhà, chợ nhỏ nay đang dần bị lãng quên. Nhưng người bạn đi cùng tôi nói: “Tôi mua để thỏa lòng! Mình sống ở Sài Gòn đây còn nhớ còn thèm canh chua lá me muốn chết, huống gì Việt kiều. Giá mà anh chị tôi ở nước ngoài về đúng dịp có lá me non.”
Trần Tiến Dũng
(*) Cầu Ông Thìn nằm trên trục đường Quốc lộ 50, bắt qua sông Cần Giuộc thuộc địa phận xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh
Bình luận (0)