Ngày mưa thèm gỏi cà đắng cá cơm... Tây Nguyên

14/09/2014 11:26 GMT+7

Nhiều người nói đùa, rằng đặc sản của người Tây Nguyên thường là “hương biển giữa rừng” cũng đúng.

Nhiều người nói đùa, rằng đặc sản của người Tây Nguyên thường là “hương biển giữa rừng” cũng đúng. Gỏi là biến tấu giữa cà đắng đặc sản vùng núi rừng Tây Nguyên với khô cá cơm của biển và chỉ có lên núi, đặc biệt là đến Buôn Ma Thuột thực khách mới có thểm nếm được món ăn lạ miệng mà thú vị này.

>> Một lần ăn bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn
>> Tương tư cà đắng Tây Nguyên

 Lên Tây Nguyên tìm ăn gỏi cà đắng cá cơm 1
Gỏi cà đắng cá cơm - Ảnh: Nguyên Trang

Chẳng biết ai là người đầu tiên nghĩ ra món ăn này. Chỉ thấy một ngày, người dân Buôn Ma Thuột ai cũng biết tiếng và tìm ăn thử. Và cứ người này truyền tai người kia, mỗi người lại chế ra một món gỏi phù hợp với khẩu vị của mình. Và trong thực đơn của mỗi nhà có thêm một món ăn mới để đổi vị những ngày ngán đồ béo hay thịt thà.

Người ta thường nói, có 2 thứ khó đánh giá ở trên đời là cái ngon và vẻ đẹp bởi mỗi người sẽ có ý kiến hay khẩu vị riêng. Cũng như cà đắng, người thích thì cho là ngon, người không thương thì cho là dở, có lẽ vì vậy, câu khen chung chung dành cho món gỏi cà đắng cá cơm được cho là món ăn vui miệng, làm để người ăn nhắm nháp chờ món chính. Ở nhà tôi, gỏi cà đắng cá cơm thường được mẹ làm để “chữa cháy” cho những ngày mưa dầm dề chẳng ai buồn đi chợ. Cà có ở góc vườn, vào mùa mưa các bà các mẹ cũng thủ sẵn trong chạn mấy bịch khô cá, tép khô hay vài hủ mắm để ăn dần. Cũng nhờ chế đủ kiểu nên đôi khi có dở cũng thành ngon.


Món gỏi có ngon hay không là do nước mắm rưới vào quyến định nữa - Ảnh: Nguyên Trang

Cách chế biến món gỏi này cực kỳ đơn giản: cà thái lát mỏng, ngâm trong nước pha tí chanh muối cho cà trắng và bớt chất chát (nếu thích ăn cà giòn giòn có thể cho vào thau nước với ít đá viên). Cá cơm khô thì loại nhí, ngâm trong nước cho sạch cát hay đất lẫn vào lúc làm khô. Đun nóng dầu, chiên giòn rồi tắt bếp. Cứ mỗi lần làm món này, kiểu gì cũng được nghe cách hướng dẫn pha nước chấm để trộn gỏi. Bởi món ăn có ngon hay không là do nước chấm rưới vào quyến định nữa. Nước cốt chanh trộn với tỏi, đường và ớt rồi mới cho nước mắm vào sau cùng. Chanh để lâu thường bị đắng, nên với những nhà muốn làm nước chấm dùng nguyên ngày thì tốt nhất nên thay chanh bằng giấm. Nguyên liệu cứ để riêng, lúc nào cần ăn thì cho tất cả vào âu rồi trộn đều, thêm một chút ngò gai nữa là đủ vị.

Sài Gòn không mưa dầm từ ngày này sang ngày khác như ở quê, nhưng cứ thấy mưa rơi thì những kẻ xa quê như chúng tôi biết ngay đó là dấu hiệu thông báo cho các cơn thèm cắc cớ. Thấy công thức làm món gỏi thì dễ lắm nhưng ở Sài Gòn, mỗi lần thèm nhâm nhi chẳng biết cà đắng bán ở đâu mà “lăn vào bếp”...

 

Nguyên Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.