Cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi ngay cả sau khi ngủ 7 - 8 tiếng đồng hồ, rất có thể bạn là nạn nhân của chứng ngủ ngáy.
Ảnh: Shutterstock |
Ngáy chính là dấu hiệu điển hình nhất của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Theo các chuyên gia y tế, hội chứng này là rối loạn đặc trưng bởi sự ngưng thở hoàn toàn khoảng 10 - 30 giây trong khi ngủ và nhiều hơn 30 lần/đêm, dẫn tới tình trạng thiếu ô xy máu. Ở vùng hầu họng có các tổ chức phần mềm xung quanh đường thở (lưỡi, amidan, khẩu cái mềm, lưỡi gà) được các cơ vận động vùng hầu họng nâng đỡ. Khi ngủ các cơ này giãn ra làm hẹp đường thở - sự tắc nghẽn này sẽ khiến sự di chuyển của không khí ngừng lại và làm cho lượng
ô xy trong máu bị thiếu hụt, khiến não phát ra tín hiệu đánh thức bạn dậy. Lúc đó, các cơ ở họng co lại làm đường thở nới rộng ra giúp đường thở được lưu thông. Sau một khoảng thời gian, giấc ngủ sâu hơn, các cơ lại giãn và gây hẹp đường thở. Cứ như vậy lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian ngủ. Thông thường chúng ta không nhớ lúc thức dậy, nhưng nhiều lần như vậy sẽ khiến giấc ngủ bị xáo trộn.
Nghiên cứu cho thấy 37 - 48% người mắc bệnh béo phì và tiểu đường bị tắc nghẽn đường thở khi ngủ. Nếu không được điều trị, ngưng thở khi ngủ có thể gây đột quỵ, đau tim, liệt, ung thư và thậm chí tử vong đột ngột. Theo thông tin trên trang Healthmeup, ngưng thở khi ngủ làm giảm ô xy máu và tăng khí CO2, tình trạng này sẽ hoạt hóa thần kinh giao cảm gây co mạch, tăng nhịp tim dẫn đến tăng huyết áp, suy tim sung huyết, loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh lý mạch máu não. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân bị hội chứng ngưng thở khi ngủ có 30% nguy cơ bị đau tim và khả năng bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với người bình thường. Thậm chí, do hơi thở đột ngột dừng lại có thể dẫn tới tử vong.
Bình luận (0)