Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Hạnh phúc khi trò thành đạt vẫn nhớ thầy cô

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
20/11/2020 10:02 GMT+7

Dù đang đi học hay đã tốt nghiệp nhiều năm và gặt hái nhiều thành công trong công việc, ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, học trò vẫn luôn hướng về thầy cô để tri ân, đó chính là niềm hạnh phúc của người thầy.

Niềm vui bất ngờ ngày 20.11

       
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, kể lại: “Thật hạnh phúc khi mỗi dịp 20.11, sinh viên lại có những “kế hoạch bí mật” hết sức dễ thương để dành tặng niềm vui bất ngờ cho giảng viên. Có năm vào gần ngày này, khi tôi bước vào lớp thì thấy tất cả các sinh viên đều đang gục mặt trên bàn hoặc xao nhãng, làm việc riêng. Nghĩ rằng các bạn mất tập trung, tôi có rắn giọng để chấn chỉnh. Bất ngờ, lớp trưởng tiến đến bàn của tôi, tay cầm một cành hoa hồng xinh xắn. Bạn gửi lời chúc đến tôi và ra hiệu. Lập tức cả lớp đứng dậy, mỗi bạn cầm theo một cành hoa đỏ thắm như vậy rồi lần lượt mang lên gửi đến tôi và không quên kèm theo lời chúc cho ngày Hiến chương nhà giáo. Tôi cảm động muốn rơi nước mắt, cảm thấy tràn đầy niềm hân hoan và tự hào về các em”.

Thạc sĩ Châu Thế Hữu (áo xanh) và sinh viên trong dịp 20.11

YẾN NHI

Với thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, giảng viên ngành quản lý siêu thị Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, thì “cú lừa” hết sức dễ thương của sinh viên vào dịp 20.11 năm ngoái, khiến mỗi lần nhớ lại, cô lại bật cười rưng rưng. “Hôm đó tôi vào lớp thì phòng học không có bóng một sinh viên nào, trong khi giờ học đã đến. Chưa hiểu lý do sinh viên nghỉ học đồng loạt thì bất chợt cả lớp ùa vào. Tất cả đều mặc đồng phục, mang hoa tặng cho cô và cùng nhau nhảy, hát. Mọi ngày đi học các bạn không mặc đồng phục như thế. Tôi vỡ òa trong niềm bất ngờ đầy ngọt ngào và xúc động”.
Trong khi đó, một nam sinh viên thường ngày rất hiền và rụt rè, lại gây bất ngờ cho thạc sĩ Lâm Hoàng Cát Tiên, giảng viên Khoa Điện - Điện tử Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng khi ngày 20.11 đã chuẩn bị riêng một món quà nhỏ kèm lời chúc dễ thương để tặng cho cô. “Là giáo viên nữ của một trường đa số là nam sinh, nên có khá nhiều điều thú vị. Có lần bước vô lớp, tôi thấy các bạn nam cứ giấu giấu hoa với quà ở dưới bàn. Cuối giờ học mới nháy mắt nhau mang hoa quà lên tặng cô, chúc cô. Đó chính là niềm vui giản dị mà xúc động của những người đứng trên bục giảng”, thạc sĩ Cát tiên cho biết.

“Là người 'đưa đò' nhiều năm, tôi nhận thấy rằng niềm hạnh phúc lớn nhất của mình là được thấy học trò hài lòng. Điều đó thể hiện ở chỗ các em nắm bắt được bài học, có thể vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế và công việc sau này. Đứng trên bục giảng, bản thân tôi cảm thấy mãn nguyện, xen lẫn bồi hồi, khi nhìn những cái gật đầu hiểu bài, những nụ cười rạng rỡ của các bạn...

Thành công của học trò là niềm vui lớn nhất

Thạc sĩ Châu Thế Hữu bày tỏ: “Là người 'đưa đò' nhiều năm, tôi nhận thấy rằng niềm hạnh phúc lớn nhất của mình là được thấy học trò hài lòng. Điều đó thể hiện ở chỗ các em nắm bắt được bài học, có thể vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế và công việc sau này. Đứng trên bục giảng, bản thân tôi cảm thấy mãn nguyện, xen lẫn bồi hồi, khi nhìn những cái gật đầu hiểu bài, những nụ cười rạng rỡ của các bạn. Điều tôi mong mỏi nhất ở các học trò của mình là các bạn phải không ngừng nỗ lực rèn luyện bản thân, nâng cao kiến thức chuyên môn để có thể có những bước tiến xa hơn, vượt bậc hơn trong công việc và cuộc sống sau này”.
Thầy Nguyễn Duy Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cũng cho rằng chỉ cần hằng ngày thấy ánh mặt học trò ánh lên niềm vui vẻ khi đến lớp, nghe giảng trong niềm hứng thú say mê và hiểu bài là thầy cô cảm thấy hạnh phúc. “Có nhiều em từng có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập và sau này thành công trong công việc, có chỗ đứng trong xã hội. Các em vẫn không quên tới dịp lễ tết lại nhắn tin hay tới nhà thầy cô chúc mừng. Một lời hỏi thăm, chúc mừng nho nhỏ thể hiện sự biết ơn của các em, chính là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục dành tâm huyết cho nghề, cho các thế hệ học trò tiếp theo”, thầy Nguyễn Duy Tâm chia sẻ.
Hình ảnh một cô sinh viên ra trường nhiều năm rồi, nhưng cứ đến dịp 20.11 lại… gửi tặng thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhàn một giỏ trái cây để cô ăn cho “đẹp da”, kèm lời hỏi thăm, chúc mừng, luôn khiến thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhàn cảm thấy đáng yêu. “Các em thành công vẫn không quên những người thầy đã dạy dỗ, truyền kiến thức cho mình. Những món quà dù nhỏ bé nhưng thể hiện sự quan tâm, biết ơn, đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao của những người làm nghề giáo như tụi mình”, thạc sĩ Thanh Nhàn bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.