Ngày quốc tế thiếu nhi, nhìn lại câu chuyện game và giáo dục

01/06/2015 14:00 GMT+7

Biến những trò chơi điện tử luôn bị gắn mác “xấu” trở thành công cụ giáo dục, là đích đến mà những người tâm huyết với ngành game khắp thế giới luôn nhắm đến, trong đó có cả Việt Nam. Càng ngày, viễn cảnh ấy càng trở nên chân thực hơn.

Game hay trở thành… giáo án đào tạo

Xuất hiện vào năm 2009, được “sinh ra” chỉ bởi một lập trình viên và nguồn kinh phí đến từ túi tiền cá nhân, ít ai nghĩ Minecraft sẽ trở thành một hiện tượng toàn cầu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử vận động của ngành game thế giới.

Ngày quốc tế thiếu nhi, nhìn lại câu chuyện game và giáo dục

Minecraft thay đổi rất nhiều thứ người ta hay nghĩ về game. (Ảnh: Mojang)

Càng khó tin hơn khi bạn trực tiếp trải nghiệm trò chơi, bởi lẽ từ đồ họa, chi tiết hình ảnh, cho đến các cơ chế gameplay sặc sỡ thời thượng,… đều hoàn toàn vắng bóng trong Minecraft. Thay vào đó, tại thời điểm khởi đầu của game bạn chỉ được cấp vài chiếc cuốc xẻng, cùng khả năng khai thác tài nguyên như đất đai, quặng sắt, gỗ,… thành những khối vuông vức có thể dễ dàng “bứt ra gắn vào” theo ý thích. Thật ra, tất cả những thực thể trong thế giới Minecraft đều được hình thành theo những khối lập phương như vậy.

Tuy nhiên, lúc bạn đã dần làm quen với lối chơi “kỳ quái” này, xây dựng được căn cứ nhỏ bé đầu tiên để ngăn cản bè lũ quái vật tấn công khi đêm xuống, cũng là lúc những phẩm chất tuyệt vời của Minecraft được hé lộ.

Ngày quốc tế thiếu nhi, nhìn lại câu chuyện game và giáo dục

Trò chơi của sự sáng tạo. (Ảnh: Mojang)

Với gameplay hướng đến sự tự do tuyệt đối, không có một chút ràng buột – dù là nhỏ nhất – đối với người chơi, Minecraft nghiễm nhiên trở thành trò chơi có khả năng phát huy tột cùng sức sáng tạo của game thủ. Bạn có thể lựa chọn một ngọn núi nào đó để xây dựng căn nhà bé nhỏ xinh xinh; có thể đào sâu xuống lòng biển để thiết lập cả một căn cứ địa kiên cố; hoặc, tìm đường leo lên 9 tầng mây và kiến tạo nên vương quốc thiên đàng, trở thành một vị Chúa trong thế giới Minecraft.

Đây cũng chính là những giá trị vô giá mà người làm giáo dục tìm thấy trong Minecraft.


Video Minecraft ứng dụng trong trường học

Bắt đầu manh nha từ những năm 2012, một số trường học trên thế giới đã sử dụng Minecraft với vai trò một… công cụ dạy học. Các em học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ (hoặc từng cá nhân), sau đó cùng hợp tác để xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích ban đầu mà giáo viên đặt ra. Các bạn nhỏ sẽ tự phân công với nhau ai là người khai thác nguyên liệu, ai là người xây nền mống, ai là người lợp mái… Đây là cả một quy trình đòi hỏi sự sáng tạo, tinh thần hợp tác, sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau và cả óc phán đoán của học sinh. Tất nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ mà các thầy cô giáo có thể khai thác từ Minecraft.

Ngày quốc tế thiếu nhi, nhìn lại câu chuyện game và giáo dục

Minecraft xuất hiện trong các trường học. (Ảnh: Theedublogger)

Cho đến nay, câu chuyện áp dụng Minecraft vào giáo dục đã trở nên vô cùng phổ biến trên khắp thế giới, các hình thức bài giảng ngày càng linh hoạt và đa dạng, hữu ích hơn. Thậm chí, tổ chức TeacherGaming đã được thành lập để tập trung phát triển các giáo án này, tất nhiên vẫn dựa vào Minecraft làm nền tảng chủ yếu.

Đặc biệt, tại Bắc Ireland, 100% các trường dành cho học sinh độ tuổi hậu tiểu học đều cài đặt Minecraft, vận dụng tối đa trò chơi này trong giáo trình giảng dạy của trường.

Bức tranh “học mà chơi” đã không còn khô khan

Thật ra, trước Minecraft đã có khá nhiều tên tuổi tiên phong trên con đường “học mà chơi”. Xu hướng này đặc biệt nở rộ khi smartphone trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Hiện nay, người dùng có thể tìm thấy hàng trăm tựa game được phân loại “giáo dục” trên kho ứng dụng Google Play và Apple App Store, đa kiểu loại từ cơ bản như học bảng chữ cái cho đến tập đếm số, tô màu, và cao cấp hơn như giải câu đố về kiến thức khoa học/xã hội.

Ngày quốc tế thiếu nhi, nhìn lại câu chuyện game và giáo dục

(Ảnh: Theedublogger)

Những trò chơi này đều mang lại ích lợi cho game thủ nhí, tất nhiên, những vẫn không thể được áp dụng rộng rãi như một mô hình giáo dục hoàn chỉnh, tương tự Minecraft từng làm. Chủ yếu đến từ hai lý do chính: game được tạo ra để nhắm đến mục đích lớn nhất là giáo dục, nên nhà phát hành đôi khi bị phân tâm và quên mất mình đang làm… game, dẫn đế việc hình thành một sản phẩm không mang lại hiệu quả giải trí cao; thứ hai, các game này không hướng đến đích đến cao nhất của việc đào tạo, đó là khai mở sức sáng tạo tiềm tàng trong mỗi em học sinh.

May mắn thay, có rất nhiều dự án game đã và đang đi đúng hướng, hứa hẹn sẽ mang lại sự lựa chọn phong phú cho những giáo viên đang muốn làm mới phương pháp giảng dạy của mình. Gần đây nhất là sự xuất hiện của Besiege – hiện tượng trên kênh phát hành Steam thời gian qua. Trò chơi cung cấp cơ chế gameplay cho phép người chơi xây dựng bất kỳ cỗ máy nào theo một cách hết sức đơn giản, miễn là bạn có một ít kiến thức nền tảng về các lực vật lý. Chính vì kế thừa thành công tinh thần sáng tạo tận cùng của người đi trước Minecraft, Besiege đang nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cộng đồng game thủ.

Ngày quốc tế thiếu nhi, nhìn lại câu chuyện game và giáo dục

Besiege thành công vì biết kế thừa những phẩm chất cần thiết từ Minecraft. (Ảnh: Steam)

Tất nhiên trong thời gian chờ đợi Besiege ra mắt chính thức và có những điều chỉnh phù hợp để áp dụng vào môi trường giảng dạy, bạn hoàn toàn có thể tải game và chơi cùng con trẻ của mình, sẽ truyền tải được những bài học giá trị và cả những tràng cười sảng khoái.

Ngày quốc tế thiếu nhi, nhìn lại câu chuyện game và giáo dục

Besiege hoàn toàn phù hợp để chơi với con trẻ, sau khi tắt bới một vài hiệu ứng hình ảnh dành cho người trưởng thành. (Ảnh:Steam)

Tại Việt Nam, không ít những nỗ lực “chơi và học” đang được các nhà làm game trong nước nuôi dưỡng. Bên cạnh những sản phẩm được ra mắt liên tục trên mobile như Aha! , các game của Hay Hay Studio, Emobi Games,… chứa đựng nhiều yếu tố giáo dục, Chinh Phục Vũ Môn (EGame) được xem là trò chơi có nhiều nỗ lực nhất trong việc hiện thức hóa bức tranh game và giáo dục. Trong quý 1 năm 2015, EGame từng tổ chức thành công cuộc thi Chinh Phục Vũ Môn tại nhiều trường học trên cả nước, với giá trị giải nhất lên tới 500 triệu đồng.

Ngày quốc tế thiếu nhi, nhìn lại câu chuyện game và giáo dục

Chinh Phục Vũ Môn - Game giáo dục của Egame (Ảnh: Google Play)

Mới đây, nhà phát hành game CMN Online cũng đang có những hoạt động thể hiện sự quan tâm đến ngành giáo dục, khi thành lập quỹ học bổng gắn liền với tựa game Touch của mình dành cho nhiều trường học tại Tp.HCM.

Ngày quốc tế thiếu nhi, nhìn lại câu chuyện game và giáo dục

CMN trong buổi trao học bổng. (Ảnh: CMN Online)

Biết đâu, trong một tương lai không xa, bộ môn tin học của học sinh Việt Nam sẽ xuất hiệnthời lượng dành cho Minecraft, Besiege và các trò chơi đầy bổ ích khác?

Bài viết được thực hiện theo quan điểm cá nhân của tác giả, dựa trên những dữ liệu và thông tin đã được kiểm chứng.   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.