Cuộc bỏ phiếu lịch sử
Các điểm bỏ phiếu trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ dường như yên tĩnh và trật tự hơn khi người Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, theo mạng truyền hình Al Jazeera. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, sau khi không có ứng cử viên nào nhận được quá 50% số phiếu bầu trong vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 14.5.
Ông Erdogan tái đắc cử, tiếp tục làm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Trong vòng đầu tiên, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã giành được số phiếu cao nhất, 49,5% phiếu, kế đến là ứng viên đối lập Kemal Kilicdaroglu, nhận được 44,9%, và người về thứ 3 là ứng viên Sinan Ogan, với 5,2% phiếu. Kết quả này đã khiến giới quan sát bất ngờ vì tất cả các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử đều cho thấy ông Erdogan đứng sau và thậm chí ông Kilicdaroglu có thể đắc cử trong vòng đầu tiên.
Với các ghế quốc hội đã được quyết định trong cuộc bầu cử ngày 14.5, trong cuộc bỏ phiếu lần này, các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn lựa chọn giữa ông Erdogan (69 tuổi) và ông Kilicdaroglu (75 tuổi) làm tổng thống tiếp theo. Ông Erdogan đứng đầu đảng Công lý và Phát triển và đại diện cho Liên minh Nhân dân, trong khi ông Kilicdaroglu lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa và đại diện cho "Liên minh Quốc gia", bao gồm 6 đảng đối lập.
Trước khi vòng hai diễn ra, ông Erdogan được đánh giá có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. Đó là ông Ogan ngày 22.5 tuyên bố sẽ ủng hộ Tổng thống Erdogan, theo AFP. Ngoài ra, Liên minh Nhân dân đã giành chiến thắng quan trọng trước các đảng chính trị và liên minh đối lập trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 14.5.
Phép thử tức thời
Hai đối thủ trên có quan điểm trái ngược nhau về một loạt chính sách và kết quả của cuộc bầu cử có thể quyết định đường lối của Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 năm tới, theo Đài RT.
Ông Erdogan được cho là một người bảo thủ xã hội, đã giữ chức tổng thống từ năm 2014 và trước đó đã làm thủ tướng 11 năm. Dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi các mối quan hệ ngoại giao và thương mại chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc, đồng thời định vị mình là một bên hòa giải tiềm năng trong các cuộc xung đột khu vực, trong đó có cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong khi đó, ông Kilicdaroglu là một người theo chủ nghĩa ôn hòa, đang tìm cách hủy bỏ nhiều cải cách trong nước của ông Erdogan, đặc biệt là những thay đổi hiến pháp sau năm 2016 nhằm củng cố quyền lực của tổng thống. Ông Kilicdaroglu đã tuyên bố sẽ ngay lập tức khởi động lại các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu nếu đắc cử và sẽ hồi sinh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
AFP dẫn lời giới quan sát cho rằng nền kinh tế đang suy thoái của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là phép thử tức thời nhất đối với bất kỳ ai giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này. Giá trị đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh và tỷ lệ lạm phát vào tháng 10.2022 đã tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu tốn hàng chục tỉ USD trong lúc cố gắng hỗ trợ đồng lira khỏi sự sụt giảm nhạy cảm về chính trị trước cuộc bầu cử.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện phải tăng lãi suất hoặc từ bỏ nỗ lực hỗ trợ đồng lira, hai giải pháp sẽ gây ra thiệt hại kinh tế. "Ngày quyết định đối với nền kinh tế và thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sắp đến gần", các nhà phân tích tại Công ty Capital Economics (Anh) cảnh báo.
Bình luận (0)