'Không tốn quá nhiều tiền lại được thỏa sức sáng tạo, hơn nữa sản phẩm có tính ứng dụng', đó là những lý do khiến cho thú chơi vẽ lên đá cuội, sỏi đang được nhiều người yêu thích.
Mặc dù thú chơi này không gây sốt như một vài môn khác nhưng ai đã lỡ yêu nó rồi thì khó mà... bỏ được.
Cách thư giãn hiệu quả
“Tôi không xem việc tô vẽ lên đá cuội, sỏi là để thể hiện khả năng vẽ vời của mình. Tôi cũng không mang việc này ra để mua bán, dù có một vài người thấy thích rồi cũng muốn mua. Bởi, vẽ lên đá cuội là cách tôi thư giãn. Thời gian vẽ cũng là lúc tôi và con gái gần gũi và tâm sự với nhau đủ mọi chuyện trên đời”, chị Lê Hà Anh (Q.7, TP.HCM) cho biết.
Theo chị Hà Anh, vẽ lên đá cuội hay sỏi cũng không có gì là “ghê gớm” nên hầu như ai cũng có thể làm được nhưng “quan trọng là phải tỉ mỉ. Nếu không biết nên vẽ cái gì thì có thể vào một số trang mạng như Instagram hay Pinterest để học hỏi những hình mẫu mà mọi người chia sẻ”.
Còn anh Mark Hanson (Q.2, TP.HCM) cho biết ban đầu anh vẽ lên đá cuội và sỏi chỉ để “lấy lòng cô bạn gái đang học trường mỹ thuật”. Mặc dù hiện tại anh không dành nhiều thời gian cho việc vẽ vời này vì bận rộn với lịch làm việc dày dặc nhưng, lâu lâu nếu có thời gian anh lại trổ tài làm họa sĩ để làm vui lòng bạn gái.
“Đá cuội và sỏi thì có lần tôi đi nhặt về khi có dịp đi biển chơi. Còn lại phần lớn là tôi đặt mua từ Amazon, trên đó thường bán một bộ gồm cọ màu và đá cuội. Giá cũng rẻ, mà lại có bảng hướng dẫn sử dụng rất rõ ràng”, anh Mark Hanson chia sẻ.
|
Nhìn những hòn đá cuội sau khi đã được tô vẽ sẽ mang các hình dạng khác nhau. Có khi đó là một chú mèo, có viên lại mang hình chú chó hay con ốc tinh nghịch, cũng có người lại chọn vẽ bảng chữ cái hay con số. Hình dạng đẹp hay xấu của từng viên đá sau khi được “mặc áo” sẽ tùy thuộc vào sự sáng tạo cũng như khả năng của từng người.
Quá trình để thay áo cho đá cuội hay sỏi không có gì phức tạp nên có thể dành cho mọi lứa tuổi từ bé đến lớn. Nếu đá cuội được nhặt về thì chỉ cần dùng bàn chải đánh răng cũ chà nhẹ rồi rửa sạch, phơi khô là đã có thể vẽ lên. Sau khi xử lý đá cuội và sỏi, việc kế tiếp là tìm một cây cọ hoặc bút dạ và màu acrylic.
Chị Hà Anh giải thích: “Không cần phải mua cọ đắt tiền vì vẽ lên bề mặt nhám của sỏi hay đá cuội rất dễ làm cọ bị tua, dùng cọ đắt tiền rất phí. Trước khi vẽ, hãy thử dùng cọ vẽ lên giấy để kiểm tra độ dày hay mỏng của nét cọ nếu đó là lần đầu “trổ tài” làm họa sĩ. Bởi bề mặt của đá cuội hay sỏi rất nhỏ, nếu cứ vẽ đi vẽ lại sẽ làm cho màu sắc và đường nét không còn tinh xảo. Nên có sẵn bút lông nhiều màu và nhiều kích cỡ khác nhau để nhấn nhá thêm đường nét cho viên đá cuội thêm sắc sảo. Khi vẽ xong, nhớ rằng màu acrylic khô sau nửa tiếng nên tránh đụng vào để tránh hình vừa vẽ bị lem màu”. Nếu mua sẵn bộ đá cuội thì càng dễ hơn khi đá đã được xử lý, chúng ta chỉ cần mang ra để vẽ.
|
Những bộ sưu tập có 1 không 2
“Tôi đã dùng cách này để vẽ bảng chữ cái với các con vật, để dạy bé học chữ. Cách vừa học vừa chơi này đã giúp cho bé nhà tôi chưa đến 4 tuổi mà đã học thuộc lòng bảng chữ cái. Việc vẽ các con thú vừa giúp bé phát triển được khả năng hội họa lại vừa có thể hiểu biết thêm về thế giới động vật”, chị Hà Anh chia sẻ. Sắp tới, chị Hà Anh đang tính tập vẽ thêm hình dạng rau củ và hoa để dạy cho con hiểu biết thêm về thế giới thực vật.
Quả thật thú vui vẽ lên đá cuội, sỏi không tốn kém mà còn có rất nhiều ứng dụng. “Ngoài việc có thể lấy lòng bạn gái thì những viên đá sau khi được thay áo còn có thể trở thành đồ chặn giấy”, anh Mark Hanson vui vẻ cho biết. Bên cạnh đó, bạn có thể sắp đặt những viên đá cuội đã được tô màu thành bức tranh bằng cách dùng keo dán chúng dính lại với nhau. Những bức tranh này có thể dùng để trang trí nhà hoặc bàn làm việc. Đơn giản hơn, các viên sỏi này trở thành bộ sưu tập không đụng hàng và mang đậm dấu ấn cá nhân.
|
|
|
|
Bình luận (0)