Ngày tết, hoài niệm Huế với kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
27/01/2020 13:25 GMT+7

Là người con của Huế xa xứ, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng đã tri ân quê nhà với tập du khảo Lang thang phố thị 4 , có tựa đề Bước chậm bên dòng Hương Giang .

Tập du khảo mới in trước tết còn thơm mùi mực, Dũng gửi cho tôi kèm với một gói cà phê và phin tách đầy đủ, kèm lời nhắn: “Gửi bạn để mấy ngày tết nhâm nhi cà phê, đọc chơi!”. Tết không ở lại Sài Gòn, nên tôi đem theo sách, cả loại thức uống màu đen Dũng tặng, ra ngồi nghe biển Bình Thuận rì rào vẳng bên tai, ngồi đọc Dũng, xem Dũng và hoài niệm về một Huế cổ kính trầm mặc, một lèo trong hai buổi.
Nói là đọc Dũng, vì anh viết kỹ, viết có chọn lọc, súc tích lắm. Còn xem Dũng, là bởi trên mỗi trang sách, anh đều cho in trang trọng một bản ký họa màu nước hoặc bút sắt, có khi cả tranh sơn dầu của anh về một cảnh vật, một di tích hoặc một con người lam lũ nào đó ở Huế.

Tranh màu nước của KTS Nguyễn Ngọc Dũng đề dẫn chương 1 của quyển sách

Với 14 chương sách, dày 280 trang, KTS Nguyễn Ngọc Dũng dường như “ôm trọn” Huế trong lòng. Ngay từ chương 1, anh đã giải thích về cội nguồn tên gọi của dòng Hương lững lờ trong xanh chảy qua Huế: “Được hợp thành từ hai nhánh bắt nguồn từ dãy Trường Sơn gồm Tả trạch là nhánh chính chảy từ Động Dài dài khoảng 67km, Hữu trạch là nhánh phụ chảy từ phía Đông núi Chấn Sơn dài khoảng 60km, rồi hợp nhau tại ngã ba Bằng Lãng (ngã ba Tuần). Từ đây đến cửa Thuận An dài 33km, cũng là đoạn sông chính tên gọi sông Hương. Nước sông Hương chảy chậm, êm đềm do độ chênh lệch của dòng nước với biển không nhiều… Những công trình kiến trúc nổi tiếng đều hội tụ hai bên bờ sông như kinh thành, lăng tẩm, chùa chiền, trường học, bảo tàng, vương phủ, công viên: lăng Tự Đức, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, kinh thành Huế, trường Quốc Học, Thương Bạc, thôn Vĩ Dạ, phố cổ Gia Hội, Trấn Hải thành…
“Có nhiều lý giải về tên gọi dòng sông Hương (rivière des Parfums hoặc Perfume River). Có cách lý giải rằng vì phía đầu nguồn có giống cỏ thạch xương bồ với hương thơm, sông Hương chảy qua những cánh rừng, đồng cỏ đã mang theo hương thơm của cỏ cây khi về đến Huế. Nhưng cũng có cách giải thích rằng do sông chảy qua huyện Hương Trà nên được gọi là sông Hương”, Nguyễn Ngọc Dũng vận dụng nhiều tư liệu, kể cả tư liệu dân gian để đúc kết một cách giải thích ngắn gọn như thế.
Ngày tết, hoài niệm Huế với Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng
… Rồi sau đó là một đoạn rất tinh tế: “Sông Hương được hình thành không phải bởi lập luận đơn thuần, mà bởi mối quan hệ giữa các chiều không gian và các biến cố trong quá trình cấu tạo vỏ địa cầu. Nó như một tấm đệm trôi bồng bềnh, đón nhận từng đợt sóng chuyển lưu từ trên dãy Trường Sơn, luân chuyển theo thời gian và những kỷ niệm của quá khứ”, Dũng viết đoạn này như một hồi ức lồng trong kiến thức về địa chất học, để giải thích luôn về việc có sự hiện diện của đồi núi nhấp nhô phía tây Thành Huế như các ngọn đồi Thiên An, Vọng Cảnh, núi Ngự Bình…
“Một vẻ đẹp không thể dịch chuyển. Con sông và thành phố này vẫn mãi đọng lại, mỗi thời điểm, mỗi ý niệm bừng sáng, u hoài được xếp gọn gàng, lưu dấu vào ký ức. Tôi đứng lặng nhìn, bất động thu trọn sông Hương vào trái tim mình…”, với đoạn này, đọc xong tôi cơ hồ như Dũng đang đứng ở đâu đó, chênh vênh bên con dốc dẫn lối vào chùa Thiên Mụ, phóng tầm mắt mình theo dòng Hương Giang ngược lên phía điện Hòn Chén để bồi hồi liên tưởng đến một quá vãng vàng son, đã đi qua chốn này.
Ngày tết, hoài niệm Huế với Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng
Những di tích đền đài lăng tẩm uy nghi, những chiếc cầu thơ mộng, vài ngôi chợ hoặc các món ăn ý vị mà tinh tế của Huế đều được Dũng chuyển tải vào sách của mình với một giọng văn uyển chuyển. Và để biết được, rõ được ngọn nguồn, để tìm ra một “đáp án” lý giải cho từng cái tên hay từng cách pha trộn nguyên liệu ẩm thực Huế, có thể từ ngày còn rất trẻ, khi rời Huế vô Sài Gòn, Dũng đã mang theo nó trong mình, để bây giờ công phu sưu tầm tra cứu để viết lại, vẽ lại bằng tất cả những gì anh yêu thương và hoài vọng.
Ngày tết, hoài niệm Huế với Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng
Chẳng thể nói hết những gì KTS Nguyễn Ngọc Dũng tâm huyết đã làm được, với mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S này, bằng những cuốn sách nghiên cứu học thuật và du khảo của mình. Nhưng tôi tin rằng sau 4 cuốn Lang thang phố thị mà anh đã dày công vun đắp, bằng một tình yêu và sự say mê như thế, chúng ta sẽ còn có dịp xem anh trình làng thêm nhiều tác phẩm có giá trị ở những nơi, mà như anh từng nói với tôi rằng “mình vẫn đang ấp ủ nhiều dự định, sẽ cố gắng xuất bản thêm sách về nhiều miền trên đất nước Việt Nam mến yêu này”.
Ngày tết, vẫn lắng đọng trong lòng những trang sách và bỗng nhiên trỗi dậy một niềm mong mỏi, rằng những nơi chốn Dũng viết đến, hãy luôn làm cho nơi ấy đẹp hơn, đừng để những tàn phá của thời gian và bàn tay con người khiến cho những lớp mai hậu đặt ra nhiều dấu hỏi, tại sao?
Tính đến nay, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã cho xuất bản 4 quyển du khảo: Lang thang phố thị - quyển 1, về các thành phố nổi tiếng trên thế giới (in năm 2008, đạt Giải thưởng kiến trúc quốc gia cùng năm); Lang thang phố thị Đồng bằng sông Cửu Long - quyển 2 (2018); Sài Gòn trăm bước - quyển 3 (2018) và bây giờ là Bước chậm bên dòng Hương Giang - quyển 4 (12.2019). Anh cho biết sẽ còn đi để viết và vẽ về phố thị cao nguyên, phố thị miền Bắc… Đây sẽ được xem là một pho khảo luận sâu và rộng về một mảng rất thú vị của đời sống: kiến trúc và văn hóa của mỗi vùng miền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.