Sau khi trở ra Hà Nội “bằng đường số 1” đúng như ước nguyện lúc vượt Trường Sơn, tôi được Tổng cục Chính trị cho đi an dưỡng ở Hải Dương. Đây là trại an dưỡng dành cho sĩ quan quân đội từ chiến trường B trở ra bắc.
Hà Nội năm 1975 - Ảnh: Tư liệu
|
Tuy 5 năm ở chiến trường B2 tôi được biệt phái sang công tác tại Ban Binh vận và Đài Giải phóng, nhưng lúc hòa bình rồi thì lại được trả về quân đội. Hồi ấy tôi khỏe mạnh và không có nhu cầu gì “đi an dưỡng” cả, nhưng nếu không đi an dưỡng thì ai trả lương cho mình? Lương tôi chỉ 65 đồng/tháng (lương thiếu úy), nhưng nếu không có số tiền ấy hằng tháng thì biết sống bằng cái gì? Vì thế, tôi hớn hở lên đường xuống Hải Dương an dưỡng, chỉ với mục đích là được… lãnh lương hằng tháng. Thực ra, an dưỡng ở trại này khá tốt, chế độ ăn uống hằng ngày thuộc loại “trung táo” - nghĩa là bữa chính có từ 3 tới 4 món thức ăn. Cơm ăn thoải mái. Tiền ăn trừ vào lương, nhưng không nhiều, hình như chỉ khoảng 21 đồng/tháng. Tôi vẫn còn hơn 40 đồng để tiêu vặt. Thế cũng tạm ổn.
Ở trại an dưỡng, rảnh, nên tôi hay xin phép về Hà Nội chơi. Ban quản lý trại cũng dễ tính, và tôi thường xuyên đạp xe đạp về Hà Nội. Quãng đường đạp xe khoảng 60 km, tôi đi mất hơn 4 giờ, rất thoải mái. Bấy giờ thầy má tôi đã “hồi hương” về quê Mộ Đức (Quảng Ngãi), nhà ở tập thể cũng đã trả lại cho cơ quan, tôi thành ra vô gia cư. Vì thế mỗi khi về Hà Nội, tôi thường tá túc ở nhà bạn bè như nhà Trúc Thông, nhà Trần Nguyên Vấn. Những cuộc đạp xe về Hà Nội của tôi lại thường xuyên hơn từ khi tôi có… người yêu. Đó là một động lực cho tôi đạp xe không mệt mỏi, dù ban ngày hay ban đêm, về Hà Nội. Mùa đông năm ấy thật lạnh. Ở Trại an dưỡng Hải Dương, chắc muốn đám lính an dưỡng chúng tôi có điều kiện vận động cho đỡ… rét, và cho khỏe người, nên ban quản lý trại sáng kiến lùa chúng tôi ra đồng đóng gạch. Đây là công việc khá nặng nhọc, nhưng cũng chẳng là gì đối với lính “VC” chúng tôi, chẳng là gì so với những cực nhọc hồi ở chiến trường. Thế là chúng tôi lại hớn hở đóng gạch, nung gạch, gánh gạch như những người lao động thực thụ. Ngày hai bữa ra đồng lao động như thế, quả là có đỡ… rét. Gió bấc hun hút lùa qua đồng trống vắng, nhưng chúng tôi cứ hừng hực khí thế một cách ngây thơ. Đêm về, rét, lại được đắp chăn bông. Đúng là sau 5 năm, tôi mới có cơ hội đắp chăn bông, hưởng trọn cái lạnh bên ngoài và cái ấm trong chăn của mùa đông miền Bắc. Những đồng đội an dưỡng của tôi, nhiều người đã ở chiến trường 10 năm. Tôi có viết được bài thơ về những đồng đội ấy, nhan đề Giấc ngủ trưa của người lính an dưỡng - một bài thơ thật sự thanh bình và yêu thương. Thì hòa bình với người lính chỉ là vậy: được trở về ngôi nhà cha mẹ, được ngồi bên bếp lửa chiều đông, chờ nồi nước chè xanh sôi réo, ngát thơm hương đoàn tụ. Nhưng không phải tất cả đều được như vậy. Những chiều đông se sắt ở Hải Dương, lại da diết nhớ bạn bè đồng đội ở chiến trường Nam bộ. Đừng nghĩ ở Nam bộ thì hưởng cái nóng quanh năm. Có những mùa đông ở Nam bộ cũng khá lạnh, nhất là khi chúng tôi không có chăn ấm. Chỉ đốt lửa sưởi, để lửa âm ỉ cháy dưới giường suốt đêm, cho đỡ rét:
“những khúc củi âm ỉ cháy dưới giường
phong phanh chiếc áo bở
nước phèn
mùa đông đến đầu nguồn
Vàm Cỏ
cây lạnh đêm dài lập cập sương”
(Mùa đông năm ấy)
Còn với mùa đông miền Bắc, nhất là mùa đông ở một tỉnh đồng bằng như Hải Dương, thì buổi trưa đám lính an dưỡng chúng tôi được nằm trong chăn ấm là một niềm hạnh phúc. Nhưng không phải tất cả đều được như vậy. Có buổi trưa, khi chúng tôi đang mơ màng, thì một anh đồng đội an dưỡng cùng phòng có người nhà tới thăm. Nhìn cung cách của khách mà đoán thì đó là vợ anh. Nhưng anh lính không ngồi dậy tiếp đón mà vẫn nằm trong chăn. Anh còn kéo chăn lên trùm kín đầu. Người khách phụ nữ bật khóc. Cả căn phòng chợt im lặng. Chúng tôi đều biết vì sao có cảnh này, và đột nhiên đồng đội trong phòng đều kéo chăn lên trùm kín đầu. Như một hành động bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ. Trong im lặng. Không một ai muốn nhìn thấy cảnh đau lòng này. Khi người lính đã ở chiến trường tới 10 năm không tin tức, người vợ ở nhà đành đi bước nữa, và ngày hòa bình, người chồng đột ngột trở về…
Ngày thống nhất, có bao niềm hạnh phúc, và cũng có biết bao nhiêu bi kịch. Trước cảnh người vợ (cũ) gặp lại người chồng (cũ), chúng tôi đã trùm chăn bông kín đầu, nhưng không ai còn thấy ấm nữa. Những người lính ở chiến trường đã khổ, nhưng gia đình họ ở hậu phương có khi còn khổ hơn. Một bài hát có câu: “Ngày thống nhất đến rất nhanh”. Không phải thế đâu! 21 năm đằng đẳng với bao khốn khổ, bi kịch, bao nhiêu chuyện đau lòng, mới tới được ngày ấy. Cả dân tộc đã hy sinh, và từng gia đình đã hy sinh, mới tới được ngày ấy.
Bình luận (0)